Ngày 05 tháng 11 năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định đã ban hành văn bản số 1514/SVHTTDL-QLVHGĐ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Sở VHTT chỉnh sửa một số góp ý, cụ thể như sau:
Tại Điều 3. Giải thích từ ngữ: Khoản 17 Điều 3 dự thảo Luật giải thích khái niệm “Hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng đang sống chung”. Theo quy định trên thì những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và những người có quan hệ nuôi dưỡng phải “đang sống chung” thì mới được gọi là hộ gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều trường hợp, các thành viên trong gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng nhưng tại thời điểm hiện tại họ không sống chung với nhau. Vậy trường hợp này có được gọi là hộ gia đình hay không, Ban soạn thảo nên cân nhắc, xem xét làm rõ quy định này để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực hiện.
Tại Điều 6. Những hành vi bị cấm: Khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật quy định hành vi bị nghiêm cấm là “Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình”. Tuy nhiên, theo giải thích từ ngữ tại khoản 11 Điều 3 dự thảo Luật thì hành vi “kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình” được xác định là một trong những biểu hiện của hành vi “Dung túng, bao che bạo lực gia đình”. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật đã quy định về hành vi bị nghiêm cấm là “Dung túng, bao che bạo lực gia đình”. Như vậy, hành vi “Dung túng, bao che bạo lực gia đình” tại khoản 3 đã bao gồm hành vi “kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình” tại khoản 2. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 2 Điều 6 Dự thảo vì nội dung này đã được quy định tại khoản 3 Điều này.
Tại Điều 21. Hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông: Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật quy định một trong những hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông đó là: “Chiến dịch truyền thông, xét xử lưu động một số vụ án điển hình nhằm cảnh báo, răn đe, giáo dục chung đối với mọi người”. Tuy nhiên, hiện nay, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của viện kiểm sát nhân dân, của tòa án nhân dân và công tác thi hành án (thay thế Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013) không đề cập đến vấn đề xét xử lưu động nữa. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc và có sự chỉnh sửa phù hợp đối với hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông là “xét xử lưu động một số vụ án điển hình nhằm cảnh báo, răn đe, giáo dục chung đối với mọi người” trong quy định nêu trên.
Tại Điều 28. Tiêu chuẩn đối với hòa giải viên tham gia hòa giải vụ việc bạo lực gia đình: Khoản 1 Điều 28 quy định “Các hòa giải viên ngoài đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở còn phải có kiến thức pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới trong gia đình”. Dự thảo cần quy định rõ nội dung “có kiến thức pháp luật” là trình độ chuyên môn gì hay đã làm công tác pháp luật bao nhiêu năm để đáp ứng được tiêu chuẩn của hòa giải viên ở cơ sở.
Về kỹ thuật trình bày: Khoản 3 Điều 3: Đề nghị bỏ từ “về” giữa từ “pháp luật” cho chính xác. Quy định này sau khi chỉnh sửa là “Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình và các hành vi khác do tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình”. Điều 17: Đề nghị chỉnh sửa cụm từ “Tổ hòa giải cơ sở” thành “Tổ hòa giải ở cơ sở” nhằm đảm bảo chính xác tên gọi của Tổ hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Khoản 1 Điều 8: Đề nghị bỏ từ “lấy” vì thừa, không cần thiết. Quy định này sau khi chỉnh sửa là “Tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình”. Khoản 2 Điều 75: Đề nghị viện dẫn đầy đủ Luật phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 nhằm đảm bảo theo quy định về kỹ thuật viện dẫn văn bản tại Điều 75 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ). Đề nghị rà soát, thống nhất dùng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” thay cho “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” trong toàn Dự thảo. Đề nghị rà soát, chỉnh sửa lỗi chính tả cụm từ “Uỷ ban nhân dân” thành “Ủy ban nhân dân”. Đề nghị rà soát, sửa lỗi dấu cách trong toàn Dự thảo.