Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Tài đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung, hình thức phong phú sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tiễn của từng vùng; phân công những phần việc cụ thể cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở; khuyến khích UBND cấp huyện và cấp xã tổ chức các hoạt động, chương trình liên quan đến công tác gia đình bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hoặc phối hợp thực hiện với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cần hoàn chỉnh các báo cáo liên quan; lựa chọn những gương điển hình tiên tiến sẽ trình bày tham luận tại hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2008 – 2018 (dự kiến sẽ tổ chức vào khoảng cuối tháng 10-2018).
Theo thống kê, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã thành lập được 126 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; trong đó có 1.059 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 1.059 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 2.599 địa chỉ tin cậy tại các thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã treo hơn 2.300 băng rôn, cờ phướn; thực hiện gần 600 tin, bài tuyên truyền; vận động các tổ chức, cá nhân trao hơn 100 phương tiện sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 340 triệu đồng; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt tập thể, nói chuyện chuyên đề… nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh đã xảy ra 195 vụ bạo lực gia đình. Đa phần nạn nhân của các vụ bạo lực trên là phụ nữ từ 16 đến 59 tuổi, người gây bạo lực là nam giới (188 vụ) với nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về kinh tế và do uống rượu, bia không làm chủ được bản thân.
Bảo Hưng
nguồn: svhtt.khanhhoa.gov.vn