Về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể rõ hơn về điều kiện thành lập, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị rà soát để quy định đảm bảo tính khả thi, thu hút được nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định nguyên tắc về các dịch vụ, hoạt động, các điều kiện, cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự phát triển của các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như có chính sách ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cho phòng, chống bạo lực gia đình mà không vì mục đích lợi nhuận (khoản 4 Điều 40); giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở; đồng thời, bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV – Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư (khoản 2 Điều 55) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.