Về giải thích từ ngữ (Điều 2), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc giải thích cụm từ “người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình” do quy định như vậy là dễ tạo phân biệt đối xử, kỳ thị, chưa bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật và chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan soạn thảo đã bỏ khoản 2 Điều 2, đồng thời rà soát, chỉnh lý khoản 2 Điều 13 Mục đích, yêu cầu trong thông tin, truyền thông, giáo dục và khoản 2 Điều 16 Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (là hai điều có quy định liên quan đến đối tượng là “người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình”) để bảo đảm giữ nội hàm của điều luật và bảo đảm kỹ thuật lập pháp.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ để phân biệt “nơi tạm lánh”, “địa chỉ tin cậy” và “chỗ ở tạm thời”.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo bổ sung một khoản để giải thích từ “nơi tạm lánh” như thể hiện tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật.