Một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về đối tượng áp dụng là không cần thiết do Luật áp dụng chung cho mọi đối tượng cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ để bảo đảm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phù hợp, tương thích với điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cơ quan soạn thảo có ý kiến như sau:
Thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả “mọi người” trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Một trong những nguyên tắc áp dụng pháp luật là áp dụng theo phạm vi lãnh thổ. Do vậy, việc không quy định đối tượng áp dụng trong dự thảo Luật không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Cơ quan soạn thảo chỉnh lý theo hướng bỏ Điều 2 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để tăng tính phù hợp và khả thi của Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.