Về biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 32), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp này. Có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “đã được Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải” vì biện pháp này sẽ không áp dụng được với người không tự nguyện hòa giải. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định liên quan trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để có quy định phù hợp về độ tuổi của người có hành vi bạo lực gia đình bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thành phần tham gia góp ý, phê bình sao cho đề cao vai trò của tổ chức, đoàn thể ở khu dân cư. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định biện pháp xử lý trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vắng mặt hoặc cố tình vắng mặt.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, để quy định cụ thể, chặt chẽ và tăng tính khả thi của biện pháp góp ý phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 32 dự thảo Luật theo hướng: Bỏ điều kiện “đã được hòa giải”; quy định các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình từ 02 lần trở lên trong 12 tháng mà chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có hành vi bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính; Bổ sung thành phần tham gia góp ý, phê bình là đại diện tổ chức chính trị – xã hội cấp xã mà người có hành vi bạo lực gia đình hoặc người bị bạo lực gia đình là thành viên; Bổ sung trách nhiệm của Công an cấp xã đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến địa điểm tổ chức góp ý, phê bình trong trường hợp người đó cố tình vắng mặt; Quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, công an cấp xã trong tổ chức thực hiện biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý Điều 32, cụ thể:
“Điều 32. Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư
1. Biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư được thực hiện đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên trong các trường hợp sau đây:
a) Có hành vi bạo lực gia đình 02 lần trở lên trong thời gian 12 tháng mà chưa đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
b) Có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.
2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư. Thành phần tham gia góp ý, phê bình bao gồm:
a) Người có hành vi bạo lực gia đình;
b) Đại diện gia đình;
c) Đại diện Công an xã;
d) Đại diện tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình hoặc người bị bạo lực gia đình cư trú là thành viên;
đ) Thành phần khác do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mời.
3. Nội dung góp ý, phê bình bao gồm:
a) Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình;
b) Cung cấp các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
c) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình cam kết không tái diễn hành vi bạo lực gia đình.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư trên cơ sở đề xuất của người được phân công xử lý hành vi bạo lực gia đình.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú có trách nhiệm tạo điều kiện cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư.
6. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều này tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng quy định tại Điều 33 của Luật này thì không áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư”.