Có nhiều cách tiếp cận về “giá trị” nói chung và “giá trị gia đình” nói riêng, cho đến nay chưa có sự thống nhất trong giới nghiên cứu của khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Chúng thường được các học giả nhìn từ nhiều góc độ và cách hiểu các loại giá trị và giá trị gia đình khác nhau, như: giá trị tập thể; giá trị xã hội; vốn xã hội; giá trị khách quan; giá trị chủ quan; giá trị vật chất; giá trị kinh tế; giá trị tinh thần; giá trị văn hóa v.v… của gia đình. Hoặc hướng khác, như: giá trị cốt lõi của gia đình; giá trị gia đình phổ quát; giá trị gia đình đặc thù theo cộng đồng tộc người, theo mỗi loại hình của gia đình, theo cấu trúc xã hội,… Hay giá trị gia đình theo cách nhìn của mỗi khoa học chuyên biệt, như: triết học; xã hội học; tâm lý học; văn hóa học; gia đình học; giới và phát triển; nhân khẩu học; kinh tế học; sinh thái – nhân văn học v.v…
Điều quan trọng cần phải định hình khái niệm “giá trị gia đình Việt Nam” về phương diện lý luận. Khó xác định rõ ràng được về phương diện lý luận hệ giá trị gia đình Việt Nam, mặc dù trong thực tế nó vẫn tồn tại khách quan, không chỉ quy định mục đích của hoạt động mà còn là động cơ thúc đẩy hoạt động đạt được mục đích đó. Bản thân giá trị là một hiện hữu với một gia đình này, những người này, thế hệ này, nhưng chưa hẳn đã hiện hữu với gia đình khác, người khác, thế hệ khác; rộng hơn nữa là cộng đồng, làng xã và toàn xã hội. Để sử dụng nó trong những trường hợp, hoàn cảnh cụ thể, người ta vẫn thống nhất được với nhau về những giá trị cụ thể, theo cách quy chiếu. Tuy nhiên, không dễ để có thể sắp xếp được nó gồm những giá trị nào, nếu liệt kê, tổng hợp, nhóm lại theo những đặc tính và từ đó chỉ ra “hệ giá trị gia đình” chung ở một thời đoạn lịch sử cụ thể và luôn ở trạng thái động tương đối thì thực sự càng khó khăn hơn.
Chẳng hạn, xem xét cái giá trị khách quan hay chủ quan của gia đình để nghiên cứu can thiệp: tính khách quan của các “giá trị gia đình” là đáp ứng nhu cầu, lợi ích của mỗi cá nhân, dòng họ, cộng đồng, xã hội là vốn “giá trị tự nhiên” nằm trong sự hiện hữu của mỗi loại hình gia đình. Việc nhận ra ý nghĩa của gia đình đối với cá nhân, dòng họ, cộng đồng, trong đó có việc nhận thức ra giá trị của giá trị nó quy định tính chủ quan của giá trị, dần dần hình thành nên giá trị tinh thần của gia đình – giá trị văn hóa. Hai nhóm giá trị này trong gia đình có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau…