Ngày 10 tháng 11 năm 2020, Ban Chỉ đạo đề án tỉnh Tiền Giang đã có Báo cáo số 1778/BC-BCĐ về việc báo cáo Kết quả 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Theo Báo cáo, Kết quả đạt được được quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh, nên việc triển khai thực hiện công tác gia đình và các đề án trong thời gian qua gặp nhiều thuận lợi, ngoài ra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác gia đình, thực hiện các Đề án, các kế hoạch hàng năm và triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững. Đặc biệt là việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống văn hóa, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhằm từng bước củng cố và phát triển mô hình gia đình hạnh phúc bền vững trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.
Cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp đã thể hiện vai trò trách nhiệm của mình nên công tác giáo dục, tuyên truyền ngày càng được quan tâm, tập trung và đi ngày vào chiều sâu.
Qua 10 năm thực hiện đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực quan trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, bảo lưu trong đời sống xã hội, là cơ sở nền tảng tạo nên các giá trị văn hóa mới vừa đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, vừa là cơ sở tiền đề cho các bước tiếp sau. Việc triển khai Đề án tạo được sự đồng thuận, nhất trí của lãnh đạo các cấp và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng. Cán bộ và nhân dân huyện ngày càng ý thức sâu sắc về việc xây dựng gia đình văn hóa nên công tác tuyên truyền, đưa thông tin đến người dân thuận lợi.
Nhân dân rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức trong gia đình, khi Đề án được triển khai Ban chỉ đạo tổ chức họp thông qua các cuộc họp Tổ nhân dân tự quản, họp của các tổ chức đoàn thể để triển khai các công việc của địa phương từ đó lồng ghép các nội dung có liên quan đến đời sống của người dân nhằm củng cố lại nề nếp gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống để tuyên truyền nội dung thiết thực, phù hợp dễ nhớ, dễ hiểu. Từ đó, đã góp phần nâng cao hiểu biết, nâng dần nhận thức trong việc thực hiện bình đẳng trong gia đình, góp phần giảm đáng kể tình trạng bạo lực gia đình, mỗi thành viên trong gia đình ngày càng biết tự điều chỉnh hành vi của mình cư xử tốt với nhau, nạn uống rượu say sưa gây rối gia đình và cộng đồng, nạn cờ bạc, trộm cắp giảm dần, các mâu thuẩn trong gia đình và láng giềng được giải quyết kịp thời, nhanh gọn thông qua công tác hòa giải ở các tổ hòa giải, ở cơ sở… Đặc biệt, người phụ nữ trong gia đình đã dần nhận thức được vai trò của mình trong gia đình và xã hội, biết tìm đến chính quyền và các đoàn thể để được tư vấn, được bảo vệ khi xảy ra bạo lực trong gia đình, đồng thời luôn phấn đấu trong lao động, làm việc và học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam còn có những hạn chế như năm đầu triển khai thực hiện Đề án các địa phương còn lúng túng và kinh phí không đủ để tổ chức tập huấn cho tất cả thành viên Ban chỉ đạo các cấp và lực lượng Ban Chủ nhiệm, Đội phòng, chống BLGĐ, Tổ hòa giải… Kinh phí thực hiện Đề án cấp huyện và xã không được phân bổ riêng nên ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Đề án. Kinh phí cấp tỉnh hàng năm quá hạn hẹp nên chỉ tổ chức hỗ trợ các đơn vị điểm, các lớp tập huấn cho BCĐ, Công chức Văn hóa – Xã hội và các ấp, khu phố điểm không tổ chức các hoạt động theo kế hoạch giai đoạn.
Thông tư 143/2011/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí Ngân sách Nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quy định việc hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước cho các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập và Công văn 355 /BTC-HCSN ngày 10/1/2017 của Bộ Tài chính V/v hướng dẫn cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình tỉnh Tiền Giang chưa thực hiện theo quy định, nên ảnh hưởng đến công tác triển khai và tổ chức thực hiện cũng như duy trì hoạt động công tác gia đình, PCBLGĐ.
Thành viên Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở và Ban Chủ nhiệm đều kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa chủ động về nhân sự, thời gian, chưa nghiên cứu sâu các tài liệu tuyên truyền, việc tổ chức thực hiện cũng như tiến hành kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Công tác xây dựng tài liệu chỉ đáp ứng cho các lớp tập huấn, chưa đủ phân phối cho thành viên BCĐ các cấp do hạn chế nguồn kinh phí.
Công chức Văn hóa – Xã hội cơ sở thay đổi nhiều nên việc triển khai thực hiện Đề án, công tác gia đình và cập nhật Bộ chỉ số cũng gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến việc nắm bắt tình hình công tác gia đình cũng như xử lý thông tin về gia đình, PCBLGĐ.