Hiện nay, tổng số dịch vụ hành chính công (DVHCC) trong lĩnh vực gia đình là 18, trong đó: Cấp trung ương: 0; Cấp địa phương: 18 (cấp tỉnh: 12, cấp huyện: 06, cấp xã: 0).
Thực trạng hoạt động:
Các DVHCC trong lĩnh vực gia đình được niêm yết công khai thông tin trên Cổng dịch vụ công, Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh/thành phố, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao.
Các thủ tục hành chính (cong gọi là DVHCC) trong lĩnh vực gia đình thực hiện theo Thông tư số 23/2014/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015, đã rút gọn quy trình, giảm thời gian giải quyết DVHCC, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện DVHCC.
Số lượng, tần suất (theo tháng) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ DVHCC trong thời hạn khảo sát của Đề án (từ năm 2017 đến nay): Ở cấp trung ương, từ năm 2017 đến nay không có hoạt động tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình.
Cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực phục vụ việc thực hiện DVHCC: Ở cấp trung ương và địa phương không có tổ chức bộ máy, nhân lực riêng khi thực hiện cung cấp phục vụ DVHCC trong lĩnh vực gia đình, các cán bộ, công chức thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm.
Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện DVHCC: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ phục vụ DVHCC trong lĩnh vực gia đình, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản trị hệ thống mạng, tin học hóa công tác quản lý, xử lý hồ sơ giải quyết các DVHCC, tổng hợp kết quả giải quyết của các cơ quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã cung cấp các tiện ích cho cá nhân, tổ chức như: Tra cứu thủ tục, tra cứu hồ sơ, theo dõi tiến độ giải quyết.
Cơ chế tài chính phục vụ việc thực hiện DVHCC: Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện DVHCC trong lĩnh vực gia đình theo chế độ kiêm nhiệm nhưng không có phụ cấp riêng cho chế độ kiêm nhiệm, các hoạt động phục vụ DVHCC không có cơ chế tài chính riêng, không thu phí, lệ phí với tất cả các TTHC trong lĩnh vực này mà thực hiện theo nguồn chi ngân sách thường xuyên của đơn vị.
b) Những kết quả đạt được
– Đánh giá hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động gia đình thông qua việc cung cấp DVHCC hiện nay: Lĩnh vực gia đình có đầy đủ các văn bản pháp luật quy định cụ thể quy trình, thủ tục phục vụ DVHCC, định hướng nội dung tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa, về công tác gia đình, qua đó tăng cường nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, giúp mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác thu thập các chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cũng được triển khai hàng năm, phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực gia đình.
– Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội đối với các tổ chức, cá nhân mà DVHCC mang lại: Các DVHCC trong lĩnh vực gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng có ý nghĩa lớn trong việc phục vụ an sinh xã hội, là loại hình không mang lại lợi ích kinh doanh, tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng luôn được địa phương quan tâm. Trên cả nước có nhiều câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và hệ thống câu lạc bộ này được chú ý phát triển và duy trì hoạt động đều đặn với nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, phổ biến những kiến thức cần thiết tới mọi người dân. Vì vậy, DVHCC trong lĩnh vực này mang ý nghĩa phúc lợi là chủ đạo, nếu Nhà nước không thực hiện thì khó có tổ chức, cá nhân nào khác đứng ra tiếp nhận, thực hiện. Những DVHCC hiện hành chủ yếu mang lại tính chính danh và chuẩn hóa cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
c) Tồn tại, hạn chế
Trong quá trình triển khai, thực hiện DVHCC trong lĩnh vực gia đình chưa có vướng mắc, tồn tại, hạn chế nào về các quy định tại văn bản pháp luật, cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực hoạt động cung cấp DVHCC, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như cơ chế tài chính. Do lĩnh vực gia đình không mang lại lợi ích kinh doanh, nên DVHCC trong lĩnh vực này chưa được quan tâm, đầu tư và thực hiện rộng rãi.