Thời gian qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, tạo bức xúc trong nhân dân. Nhằm hạn chế đến mức tối đa hậu quả của loại tội phạm này, cần có cách nhìn cụ thể về loại tội phạm này, từ đó áp dụng các biện pháp cần thiết, góp phần tạo hiệu quả việc phòng ngừa. Ở Việt Nam, số liệu thống kê về bản chất và mức độ xâm hại tình dục trẻ em vẫn chưa đầy đủ. Theo số liệu báo cáo của các cơ quan chức năng trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Tình trạng gia tăng số vụ xâm hại tình dục trẻ em trai cũng trở thành vấn đề nghiêm trọng nhưng cho đến nay không được đưa vào báo cáo. Theo thống kê của Bộ Công an, gần 6.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện trong giai đoạn 2011-2015 và 645 vụ được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2016 nhưng con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Thực tế chỉ ra rằng khoảng 97% số vụ được phát hiện những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân.
Thực tế cho thấy, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng này đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn cả về tính chất và mức độ. Tại các bản làng, đường sá heo hút, có nhiều hang động, hẻm núi thì càng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ em gái. Nạn nhân thường bị xâm hại khi đi chơi, đi phụ giúp gia đình ở các nơi vắng vẻ như nương ngô, ngoài rẫy hoặc đi rừng… mà không có người lớn đi cùng. Sau khi thực hiện hành vi bỉ ổi, các đối tượng thường đe dọa tinh thần nạn nhân để nạn nhân giữ bí mật, không khai báo.
Qua nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi vùng sâu vùng xa. Không những trẻ em gái mà trẻ em trai cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại. Đáng nói, sau khi bị xâm hại nạn nhân thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với chúng. Hầu hết những người xâm hại là nam giới và hầu hết các trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn của gia đình, hoặc hàng xóm…Đôi khi việc xâm hại này diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” (cho quà, bao ăn uống…) nhằm dụ dỗ, đe doạ để thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ.
Trẻ có thể bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau trong đó phổ biến là xâm hại bằng cách đụng chạm và không đụng chạm. Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đụng chạm bộc lộ qua một số hành vi như hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ, hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc của một đứa trẻ lớn hơn, ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm… Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách không đụng chạm là những hành vi như dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ sốc, làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục, cho trẻ nghe hoặc nhìn những cảnh tình dục, bắt trẻ đứng ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh (khiêu dâm), hoặc cho trẻ xem sách báo khiêu dâm v.v..
Cho dù sử dụng bạo lực, sự đe doạ hay “lòng tốt” để bắt trẻ thực hiện hành vi xâm hại thì hậu quả của việc xâm hại này đều gây tổn thương cho trẻ ở các mức độ khác nhau. Sự xâm hại tình dục làm tổn thương trẻ vào thời điểm khi hành vi xâm hại diễn ra và có thể tiếp tục gây tổn thương nạn nhân trong suốt quãng đời còn lại của trẻ, đặc biệt đối với những trẻ không thể kể về sự xâm hại này hoặc không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hay trị liệu từ phía gia đình và xã hội.
Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại tình dục có thể chịu tổn thương thể xác kéo dài do các bệnh như như HIV/AIDS, viêm gan, lậu, giang mai và những bệnh lây lan qua đường tình dục khác… Nếu không được chữa trị có thể gây nên những vấn đề trong tương lai như có thai ngoài ý muốn, ung thư và tử vong do nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, trẻ còn có thể chịu những tổn thương thể chất trong quá trình phản kháng lại hành vi xâm hại …
Về mặt tâm lý, trẻ em bị xâm hại tình dục thường sẽ cảm thấy tội lỗi, sợ hãi, xấu xa, thất bại, cộc tính…, cho rằng mình là kẻ thất bại và có nguy cơ trở thành tội phạm khi trưởng thành. Đặc biệt, nếu trẻ không được điều trị tâm lý kịp thời sau khi bị xâm hại thì rất dễ bị ám ảnh lâu dài và khi lớn lên có thể trở thành người đi xâm hại tình dục trẻ em khác. Ngoài ra, trẻ bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ lớn lên có thể gặp vấn đề về giới tính của mình, nhiều đứa trẻ bị trầm cảm, rối loạn nhân cách… Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý mà đôi khi, cơn sang chấn tâm lý phải sau nhiều năm mới thể hiện ra. Vì thế phụ huynh thường khó phát hiện ra những bất thường của con em mình… Nghiêm trọng hơn, bị đối xử tồi tệ và bị xâm hại tình dục có thể trở thành hình mẫu trong cuộc sống của trẻ. Nếu trẻ không được hỗ trợ và giúp đỡ để có thể hàn gắn từ sự xâm hại, những trẻ em bị xâm hại có thể trở thành những người đi xâm hại khi chúng lớn lên.
Hậu quả do các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gây ra hết sức nặng nề và nghiêm trọng. Không chỉ bị xâm hại về tình dục, gây đau đớn, thương tật về thể xác, tính mạng bị đe dọa, mà tinh thần các em cũng bị tổn hại nặng nề, gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự xã hội tại địa phương. Theo khảo sát của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại phải còn gánh chịu nguy cơ hết sức nguy hiểm đó là lây lan các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS.