Hiện nay Việt Nam ghi nhận tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước, tạo nền tảng tiềm năng cho lợi tức dân số. Việt Nam có 20,4 triệu thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi, chiếm 21% dân số và thời kỳ dân số vàng dự kiến kéo dài đến năm 2039. Cho đến nay, công tác truyền thông giới, bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe, chăm sóc SKSS cho thanh thiếu niên bước đầu đã được quan tâm hơn, tuy nhiên kiến thức của thanh niên còn rất hạn chế. Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội cho thấy thanh niên còn chưa nắm bắt các hành vi BLGĐ, hậu quả và ứng phó với BLGĐ, chưa có kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, ứng xử trong gia đình.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các nghiên cứu khác cho thấy sự thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng của thanh niên đã và đang là thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Kết quả Điều tra Quốc gia về Vị thành niên SAVY (2015) cho thấy tỷ lệ nữ thanh thiếu niên có kiến thức đúng về thời điểm mà một người phụ nữ dễ thụ thai đạt dưới 30%, trong khi đó tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các đối tượng điều tra ở nhóm tuổi 14-24 là 18,7 (2017) sớm hơn so với kết quả của các điều tra trước (19,6 năm 2010). Khoảng 13% thanh thiếu niên cho biết đã từng có quan hệ tình dục và trung bình họ đã có 2 bạn tình. Kiến thức về chăm sóc sức khỏe ở thanh thiếu niên ở các cuộc điều tra còn rất hạn chế và điều này dường như không có tiến bộ đáng kể nào giữa các kỳ điều tra. Thanh thiếu niên chủ yếu biết được thông tin về chăm sóc sức khỏe hay kế hoạch hóa gia đình qua các nguồn thông tin đại chúng. Mức độ biết các thông tin này từ nhà trường, gia đình, nhân viên y tế/dân số hay các cơ sở tư vấn SKSS còn rất khiêm tốn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, hiểu biết của thanh niên về vấn đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cũng rất hạn chế, đặc biệt ở nhóm có trình độ học vấn thấp thường sẽ khó khăn tiếp cận thông tin, chịu những áp lực trong gia đình về việc lựa chọn sinh con theo giới tính cao hơn những người có trình độ học vấn cao. Kết quả một số nghiên cứu cũng cho biết cơ chế lựa chọn giới tính ở Việt Nam là phức tạp hơn so với các quốc gia khác, có xu hướng mong muốn sinh con trai ngay trong lần sinh đầu tiên. Nghiên cứu của tác giả Vũ Đức Long (2012), nghiên cứu kiến thức, thái độ, thực hành của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ lựa chọn giới tính khi sinh tại Nam Định năm 2010-2011, kết quả cho thấy: Có 65,1% các sản phụ có kiến thức về lựa chọn giới tính khi sinh; 49,8% biết hậu quả của MCBGTKS; 12,4% các sản phụ có ý định nạo phá thai khi biết giới tính thai nhi không theo mong muốn; 65,4% các sản phụ áp dụng biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh; có 78,2% các sản phụ lựa chọn sinh con trai ngay ở lần sinh đầu; có 84,5% các sản phụ được bác sỹ cho biết giới tính thai nhi trước sinh. Qua phân tích hiểu biết của các sản phụ về hậu quả của việc lựa chọn giới tính khi sinh cho thấy các sản phụ có hiểu biết hậu quả của mất cân bằng giới tính chiếm tỷ lệ cao nhất: 49,8%; có 8,8% không biết, qua đó cho thấy mặc dù các sản phụ biết về những hậu quả của việc MCBGTKS nhưng theo kết quả nghiên cứu họ vẫn có thái độ và biện pháp để lựa chọn giới tính khi sinh, kết quả của tác giả phù hợp với nghiên cứu của tác giả Vũ Tài Anh.
Theo UNFPA, mất cân bằng giới tính khi sinh do ba yếu tố sau chi phối: (1) Tâm lý ưa thích có con trai khiến lựa chọn giới tính thiên lệch về giới là sự mong muốn; (2) Qui mô gia đình nhỏ và mức sinh giảm dẫn đến việc lựa chọn giới tính dựa trên định kiến giới trở nên cần thiết; và (3) Công nghệ mới cho biết giới tính thai nhi khiến lựa chọn giới tính trở nên khả thi.