Về cơ cấu tổ chức
Ở Trung ương
Ngày 08 tháng 8 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg về việc giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chuyển các chức năng quản lý nhà nước về Dân số, Gia đình và Trẻ em của Ủy ban này sang các Bộ có liên quan thực hiện, bao gồm:
+ Công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình chuyển về Bộ Y tế và được lập thành Tổng cục trên cơ sở tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức chuyên môn của Vụ Dân số và đơn vị liên quan thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây;
+ Công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em chuyển về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và được lập thành Cục trên cơ sở bộ máy và đội ngũ công chức chuyên môn của Vụ Trẻ em thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em;
+ Công tác Gia đình được chuyển về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước và được chuyển nguyên trạng về bộ máy và đội ngũ công chức từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây;
Tại địa phương:
Ngày 04 tháng 02 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
+ Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiện toàn tổ chức bộ máy, thành lập các phòng chức năng thuộc Sở (một số địa phương thành lập phòng Gia đình). Ngày 06 tháng 6 năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phòng Văn hoá và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, công tác Gia đình được ghép với lĩnh vực Văn hóa (phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, có địa phương là phòng Văn hóa-Gia đình hoặc phòng Nghiệp vụ Văn hóa,…).
+ Tại cấp huyện, công tác gia đình được giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin quản lý, triển khai thực hiện.
+ Ở cấp xã, công tác gia đình do cán bộ văn hóa-xã hội kiêm nhiệm cùng với rất nhiều nhiệm vụ khác. Không có mạng lưới cộng tác viên cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động tuyên truyền, vận động, thu thập dữ liệu về gia đình (mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em trước đây nay thuộc quản lý của ngành Y tế và chuyên trách các nhiệm vụ về dân số-kế hoạch hóa gia đình).
Về nguồn nhân lực
Ở Trung ương
– Về số lượng: nhân lực làm việc trong lĩnh vực gia đình thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chỉ tiêu 15 biên chế, hiện tại có 11 công chức đang làm việc tại Vụ Gia đình, trong đó: 02 công chức lãnh đạo, 9 công chức chuyên môn nghiệp vụ. Trong số 9 công chức chuyên môn có 01 công chức chuyên môn về phòng, chống bạo lực gia đình.
– Về chất lượng: Trình độ cán bộ công chức của Vụ Gia đình khá đồng đều: 100% cán bộ công chức có trình độ đại học, trong đó có 01 tiến sĩ luật, 06 thạc sĩ các chuyên ngành: quản lý giáo dục, văn hóa dân gian, quản trị nhân sự, xã hội học. 100% cán bộ Vụ Gia đình có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực gia đình do đã có tối thiểu 05 năm thâm niên công tác trong lĩnh vực gia đình.
Ở địa phương
– Theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác Gia đình (31/12/2017), toàn quốc có 12.129 cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình, trong đó:
+ Cấp tỉnh có 180 người (88 nữ), trong đó: 45,5% là công chức lãnh đạo, 55,5% là chuyên viên trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của lĩnh vực gia đình cùng với các công việc khác của lĩnh vực văn hóa. Tính trung bình mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 2,86 cán bộ thực hiện công tác gia đình. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình ở cấp tỉnh: 0% được đào tạo về gia đình, 30,56% có chuyên môn về văn hóa, thể thao, du lịch; 44,44% có chuyên môn thuộc các chuyên ngành xã hội; 18,89% cán bộ có chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác. Về kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực gia đình: 21,11% cán bộ, công chức từ Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em cấp tỉnh chuyển sang (đã từng tham gia hoặc có liên quan đến công tác gia đình), 79,44% cán bộ tiếp cận mới với công tác gia đình.
+ Cấp huyện có 813 người (436 nữ) là cán bộ, công chức của phòng Văn hóa và Thông tin được giao triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực gia đình cùng với các nhiệm vụ khác về văn hóa, thể thao, và thông tin, truyền thông. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình ở cấp huyện: 0% được đào tạo về gia đình, 49% được đào tạo về văn hóa, thể thao và du lịch, 31,6% được đào tạo về các ngành thuộc khối xã hội, 19,43% có chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác. Về kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực gia đình: 7,38% cán bộ, công chức đã tham gia công tác gia đình từ ngành Dân số-Gia đình và Trẻ em tiếp tục chuyển sang công tác tại ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 92,87% cán bộ, công chức bắt đầu tiếp cận mới về công tác gia đình (số cán bộ công chức này thường xuyên biến động).
+ Cấp xã có 11.121 người, 99,47% là cán bộ văn hóa – xã hội, 0,52% là cán bộ không chuyên trách về gia đình và trẻ em (được một số địa phương áp dụng thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã). Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình ở cấp xã chủ yếu được đào tạo về chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và một số chuyên ngành xã hội khác.