Bạo học đường hiện nay diễn ra với nhiều hình thức và có những diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng năm học 2017 – 2018, báo cáo của ngành GD – ĐT cả nước gửi về Bộ GD – ĐT, bạo lực học đường xảy ra vài trăm vụ. Nhưng theo thống kê của ngành công an, số vụ liên quan đến bạo lực học đường là hơn 2.000, trong đó có 53% số vụ xảy ra trong trường học. Nghĩa là năm học vừa qua đã có hơn 1.000 vụ bạo lực xảy ra trong trường học. Từ năm 2011 đến năm 2018, theo báo cáo của liên Bộ GD – ĐT và Công an, có đến hơn 18.000 vụ vi phạm pháp luật, bạo lực học đường với đối tượng liên quan là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; hơn 1.000 vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, 900 vụ uy hiếp tinh thần. Đáng nói, trong số này, gần 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường (Khánh Linh, 2019)
Theo các kết quả nghiên cứu, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong vòng sáu tháng qua. Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt nạt, đặt điều, sỉ nhục…) chiếm tỷ lệ cao nhất 73%, bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập…) là 41% và bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung sờ, hôn, hiếp dâm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục…) chiếm 19 %. (Viện nghiên cứu Y – xã hội, 2014)
Như vậy, tình trạng bạo lực học đường diễn ra tương đối phức tạp trên địa bàn Hà Nội và có chiều hướng đa dạng hơn các hình thức bạo lực học đường truyền thống.
(Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em – Khuyến nghị chính sách”, ngày 24/6/2019)