Thực trạng bạo lực gia đình
Theo kết quả nghiên cứu quốc tế có từ 20%-50% phụ nữ đang là nạn nhân của bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Tại Việt Nam, theo báo cáo Kết quả điều tra tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cùng đứng tên công bố, căn cứ theo các điều luật về phòng, chống bạo lực gia đình, đã có 21,2% số cặp vợ chồng cho rằng họ đã trải qua hình thức bạo lực gia đình – từ đánh, mắng, nhục mạ đến buộc phải quan hệ tình dục khi không có nhu cầu. Cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp từng trải qua các hình thức bạo lực gia đình nghiêm trọng nhất. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực, bởi chỉ có 0,6% phụ nữ đánh chồng so với 3,4 số nam giới đánh vợ.
Theo Ngân hàng Thế giới, phụ nữ trong độ tuổi 15-44 có nguy cơ là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình và hiếp dâm cao hơn so với tai nạn xe máy, ung thư và bệnh sốt rét.
Những nút thắt của bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là một vòng tròn mà đôi khi người trong cuộc, đặc biệt là các nạn nhân không thể tìm được nút thắt để tháo gỡ. Bên cạnh đó, nhận thức của chính người bị bạo hành còn có thể làm cho tình trạng bạo lực gia đình khó giải quyết. Đây chính là một thách thức không nhỏ và không dễ tìm ra câu trả lời.
Những bất cập, khó khăn lớn trong phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay ở nước ta là còn khá phổ biến, tư tưởng “Quyền đương nhiên” và “chuyện nội bộ gia đình”. Ngoài ra, còn thiếu các quy định đặc thù liên quan đến phòng ngừa, phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ hỗ trợ nạn nhân; xử lý người vi phạm theo hướng thay đổi hành vi. Mặt khác, hiệu quả thực thi pháp luật hiện hành còn hạn chế.