Nguyên nhân chính của hành vi bạo lực gia đình bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và một số tư tưởng lạc hậu. Do đó, việc tuyên truyền về bình đẳng giới là việc làm rất cần thiết để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả.
Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.
Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội tiếp tục là hệ quả xấu đối với nam giới trong đối xử với nữ giới, là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực như về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ.
Hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình. Những người đàn ông thường giành thời gian cho việc làng, việc nước, họ hàng, rồi rượu chè, các tệ nạn xã hội… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ.
Thực tế hiện nay, phụ nữ thường làm nhiều công việc cùng một lúc, thời gian làm việc của phụ nữ nhiều hơn và phụ nữ cũng làm những công việc đơn giản hơn và như vậy phụ nữ thể hiện đa vai trò hơn. Song phụ nữ lại làm những việc có giá trị thấp và vì vậy giá trị xã hội của phụ nữ cũng thấp. Còn về việc nhà là loại công việc quan trọng vì nó giúp gia đình tồn tại nhưng lại không được xã hội nhìn nhận và chính bản thân nam giới cũng không coi trọng công việc gia đình. Do vậy vị trí càng thấp, mà khi vị trị thấp nên ít được lựa chọn công việc mà làm theo sự phân công truyền thống.
Không ít trẻ em quan tâm về vấn đề bình đẳng giới đã tỏ rõ thái độ bất mãn đối với việc bất bình đẳng giới ngay trong chính gia đình em. Hoài Mơ (12 tuổi – Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) bất bình tâm sự: “Cháu không thể hiểu nỗi lúc nào cha mẹ cũng bảo cháu phải chăm chỉ siêng năng lo việc cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Trong khi đó, anh trai cháu đã 14 tuổi rồi mà chẳng phải động chân động tay vào việc gì. Lắm lúc cháu lau nhà mệt bở hơi tai mà ba cháu còn nhắc nhở: “Con gái phải làm tốt những việc nhỏ nhặt trong nhà. Để anh con sau này làm những việc to tát ngoài xã hội, con đừng có mà tị nạnh lung tung. Mấy cái việc nữ công gia chánh cỏn con như thế, hai mẹ con chia sẻ với nhau, đừng có nhiều chuyện”. Mẹ cháu tối ngày tất bật với công ty, thế mà về đến nhà, chỉ có cháu san sẻ việc nội trợ, còn ba và anh hai không một chút quan tâm. Vậy mà mẹ còn chịu đựng và khuyên cháu: “Phụ nữ thì phải biết hi sinh để gia đình được êm ấm con ạ! Cháu được tuyên truyền và giáo dục về bình đẳng giới, nhưng chỉ thấy toàn là lý thuyết, chứ ở gia đình cháu còn lâu mới đưa vào cuộc sống”.
Một câu chuyện khác đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong gia đình của một cặp vợ chồng trí thức, chồng là chủ một doanh nghiệp, vợ là cán bộ ngân hàng, thừa khả năng để chăm sóc chu toàn cho hai đứa con, một trai một gái, cách nhau 2 tuổi… Vào một ngày kia, trong giờ Tập làm văn, cô giáo ra đề bài “Em hãy cho biết ước mơ của bản thân và em có suy nghĩ gì về ước mơ đó?”. Cô giáo rất ngạc nhiên khi đọc được bài làm của một học sinh nữ. Nội dung bài viết “Kể từ ngày cha mẹ có thêm em Bo thì em đã có ước mơ trở thành một đứa con trai giống như em Bo. Vì nếu được là con trai, em sẽ không cô đơn và bị ghẻ lạnh như thế, em sẽ có nhiều đồ chơi mà mình mơ ước, em sẽ được ba mẹ chở đi chơi mỗi buổi chiều cuối tuần hoặc sẽ được đi du lịch vào mỗi dịp hè. Và vui hơn hết là được ba mẹ quan tâm đến công việc học hành, mỗi ngày được ba mẹ dùng xe hơi đưa đón đến trường…”. Cô giáo cũng đã qua thời gian tìm hiểu và biết được những điều cô học trò ghi trong bài tập là đúng sự thật. Ba mẹ cô bé kể từ ngày sinh thêm em Bo, em trai của cô bé thì như là không còn thấy hình dáng cô bé trong nhà nữa. Tất cả mọi yêu thương, chăm sóc dồn về cho cậu con trai quý tử kia. Hoàn toàn không đả động đến cô bé.
Nguyên nhân trên do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, còn quan niệm cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ và việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Hội phụ nữ Việt Nam. Nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới…
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, chưa sát với đối tượng. Các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Nhận thức của phụ nữ về quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Để khắc phục tình trạng trên, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ.
Gần 5 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho cán bộ và nhân dân ở các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước đã đạt được những kết quả đáng kể. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức và công dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới đang ngăn cản sự phát triển của đất nước, từ đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng.
Nguồn: hoinongdan.org.vn