Ngày 03 tháng 10 năm 2022, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo số 369-BC/UBND về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Sau 05 năm triểm khai thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Kiên Giang có những thuận lợi và khó khăn như sau:
Về Thuận lợi: được các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm nhiều hơn đối với công tác gia đình, trong đó xem xét việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định các chính sách, giải pháp phù hợp góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến; lồng ghép thực hiện công tác gia đình, PCBLGĐ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao đối với việc ngăn ngừa, PCBLGĐ. Số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự được giữ gìn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình.
Về Khó khăn: Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác gia đình và PCBLGĐ còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện nên ở một số địa phương chưa đạt kết quả cao. Kinh phí hoạt động trong công tác gia đình ở cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế, phân bổ không đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục ở cơ sở. Hiện nay, chưa có kinh phí dành riêng cho công tác thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ theo Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ở cấp tỉnh, huyện, xã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công tác tổng hợp, báo cáo. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác này chưa thực sự đồng bộ, nhịp nhàng nên số liệu thu thập, thống kê về PCBLGĐ chưa thống nhất giữa các ngành, nhất là số liệu tổng hợp giữa các huyện, thành phố và cơ quan Tòa án, công an. Một số cơ quan có liên quan đến công tác PCBLGĐ chưa quan tâm, nhiệt tình chia sẻ số liệu, dẫn đến các số liệu chưa trùng khớp, ảnh hưởng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu, khái quát tình hình chung của cả tỉnh về công tác PCBLGĐ. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình và PCBLGĐ các cấp còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm; cấp xã có công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên luân chuyển công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ còn có mặt hạn chế; ở cơ sở chưa có cộng tác viên nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.