Thuận lợi
Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020 được xây dựng và ban hành kịp thời, các nội dung của Đề án đã bám sát định hướng chung trong công tác gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức thực hiện Đề án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành đã nghiêm túc tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai Đề án. 100% tỉnh, thành đã thành lập Ban quản lý Đề án hoặc lồng ghép trong Ban chỉ đạo công tác gia đình tại địa phương nên đã phát huy được vai trò chỉ đạo của Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai, thực hiện Đề án.
Các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được thực hiện phong phú cả về nội dung và hình thức; đảm bảo tính thiết thực, phù hợp, hướng về cơ sở, quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; đồng thời gắn liền với nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa nên đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ngành và sự ủng hộ, quan tâm, tham gia của cộng đồng dân cư.
Dù điều kiện kinh phí cho công tác gia đình nói chung còn hạn hẹp nhưng các hoạt động của Đề án đã được các cấp, các ngành cân đối, bố trí, lồng ghép để phấn đấu thực hiện các mục tiêu đề ra.
Trong quá trình triển khai, thực hiện đã kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đặc biệt ưu tiên cấp cơ sở nên đã khuyến khích, động viên, thu hút được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đóng góp vào thành công chung của Đề án trên phạm vi toàn quốc.
Khó khăn, hạn chế
Tổ chức, bộ máy công tác gia đình các cấp chưa mạnh, thường xuyên biến động nên khó khăn trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
Ngân sách nhà nước cho hoạt động của Đề án chưa được bố trí trong các mục chi thường xuyên ở các cấp, do đó việc cân đối, bối trí ngân sách hàng năm phụ thuộc vào nguồn lực, sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nội dung của Đề án rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị cùng tham gia nên việc triển khai thực hiện Đề án còn có những lúng túng trong công tác phối hợp liên ngành.
Các chỉ tiêu của Đề án chưa được định lượng cụ thể; đồng thời không có chỉ báo kiểm chứng thực hiện các mục tiêu nên việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu theo từng giai đoạn ở các cấp gặp nhiều khó khăn.
Chế độ thông tin, báo cáo định kỳ thực hiện chưa đồng đều, chưa đảm bảo các biểu mẫu theo quy định nên thông tin chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án được lồng ghép trong chương trình kiểm tra, giám sát chung về công tác gia đình của các đơn vị nên còn hạn chế trong việc hướng dẫn, điều chỉnh, rút kinh nghiệm.
Bài học kinh nghiệm
Đề án đạt được kết quả sau 10 năm triển khai, thực hiện là do:
Một là, có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền tại các cơ quan, địa phương trong việc triển khai, thực hiện Đề án; Hai là, các mục tiêu của Đề án đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng và chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung; Ba là, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đã được coi trọng, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình thuộc Đề án; Bốn là, khắc phục khó khăn về ngân sách nhà nước cho hoạt động của Đề án thông qua việc cân đối, lồng ghép các nguồn lực cho công tác văn hóa nói chung; đồng thời huy động các nguồn lực từ xã hội hóa để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án; Năm là, kịp thời sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong triển khai, thực hiện Đề án ở các cấp; Sáu là, để công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp căn bản như:
Có chương trình quốc gia về truyền thông, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình theo từng giai đoạn, mang tính dài hạn và được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước; Có cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác gia đình để vận hành các hoạt động phối hợp một cách khoa học và hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực cho công tác gia đình nói chung và các hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Cần đặc biệt quan tâm yếu tố vùng miền, dân tộc trong nội dung, hình thức và sản phẩm truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình để đảm bảo tính phù hợp, thiết thực của Đề án; Tập trung xây dựng các nhóm giải pháp, mô hình tại cơ sở.