Ngày 28 tháng 4 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Kế hoạch số 109/KH-UBND về việc Triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020
Mục đích tổ chức các hoạt động phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp và hướng dẫn thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật về gia đình.
Về nội dung thực hiện: Triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn. Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trọng điểm; chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với tình hình địa phương. Tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương, chú trọng phối hợp thực hiện hiệu quả các mô hình tại cơ sở. Tổ chức thực hiện có hiệu quả “Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”. Tổng hợp, thống kê số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo định kỳ; báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định.
Về tổ chức thực hiện:
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020. Tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trọng điểm; chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình vào các đợt cao điểm Tháng hành động quốc gia Phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), ngày Gia đình Việt Nam (28/6)…Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế phối hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 05/12/2020. Tiếp tục nhân rộng phát triển các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng: Xây dựng chương trình, kế hoạch và dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để tuyên truyền về thực hiện Kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở Tư pháp: Hướng dẫn các giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải mâu thuẫn gia đình tại cơ sở. Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện việc trợ giúp pháp lý và chuyển gửi an toàn nạn nhân bạo lực gia đình. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, cơ quan, tổ chức liên quan bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải mâu thuẫn gia đình cho hòa giải viên cơ sở.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tăng cường chỉ đạo: Trung tâm nuôi dưỡng và công tác xã hội tỉnh, các Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh tại cộng đồng thuộc phạm vi quản lý phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hỗ trợ nơi lánh nạn an toàn khi nạn nhân bị bạo lực gia đình có nhu cầu trợ giúp.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình đào tạo học sinh, chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Sở Y tế: Chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện việc khám sàng lọc cho bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình.
Công an tỉnh: Chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện quy trình phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình, bảo vệ an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư.
Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện các chuyên đề tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.
Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh: Phối hợp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ kiểm sát viên và thẩm phán các cấp để thực hiện việc giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình cho người gây bạo lực gia đình trong quá trình truy tố, xét xử.
Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS HCM, Liên đoàn Lao động tỉnh: Phối hợp thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình cho các hội viên, đoàn viên thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện sớm vụ việc bạo lực gia đình, cung cấp các hoạt động hỗ trợ, tư vấn ngay từ cộng đồng.
Ủy ban nhân dân thành phố Huế, các thị xã và các huyện: Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020 tại địa phương. Bố trí nguồn lực thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả cao. Chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn cung cấp các hoạt động hỗ trợ từ cộng đồng, chuyển gửi an toàn nạn nhân bị bạo lực gia đình; công bố các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bị bạo lực; phân công công an, thôn trưởng, tổ trưởng nắm bắt tình hình, phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời bằng những hình thức phù hợp.
Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020 của địa phương (lồng ghép trong báo cáo công tác gia đình hằng năm) trước 05 tháng 12 năm 2020.