Ngày 28 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã xây dựng Báo cáo số 701/BC-SVHTT về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Công tác chỉ đạo, quán triệt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh được triển khai rộng khắp và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đến từng cán bộ, đảng viên góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình, về xây dựng gia đình hạnh phúc. Chất lượng sống của nhiều gia đình được nâng cao, nhiều gia đình thoát nghèo; các hộ gia đình nghèo, gia đình ở vùng xa, vùng sâu được tiếp cận các phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa. Từ đó, đời sống tinh thần được cải thiện tốt; chất lượng gia đình văn hóa được nâng lên từng năm tương ứng với tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa. Công tác truyền thông vận động luôn là nhiệm vụ trọng tâm và được thực hiện thường xuyên ở các cấp, các ngành nhằm hướng đến nâng cao nhận thức và từ đó thay đổi hành vi của mọi người dân trên địa bàn, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, ổn định và bền vững. Vai trò của cá nhân, tổ chức và cộng đồng ngày được nâng cao trong nhận thức và ứng xử.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội song hành với lồng ghép các vấn đề phát triển gia đình, giáo dục đời sống trong gia đình đã tạo điều kiện để người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em tiếp cận được các chương trình, các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch,… góp phần thay đổi được nhận thức của người dân trong chung tay xây dựng, phát triển gia đình hạnh phúc bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Sự phát triển của kinh tế, xã hội và sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa không lành mạnh đi ngược lại với thuần phong mỹ tục là những thách thức đối với tính bền vững của gia đình truyền thống; tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng và các tệ nạn xã hội là mối quan tâm và bức xúc của các gia đình và toàn xã hội. Hiện tượng chung sống không kết hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân của một bộ phận thanh niên ngày nay đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý, sức khoẻ và tinh thần của thanh thiếu niên, trẻ vị thành niên. Vấn đề Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình và tảo hôn là vấn đề khó, chưa thực sự được người dân nhận thức một cách đầy đủ, đặc biệt là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc thực hiện chiến lược đang còn nhiều hạn chế. Hoạt động sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng trong việc xây dựng mô hình gia đình ít con, ấm no, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc chưa được quan tâm thường xuyên, chủ yếu kết hợp với hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào khuyến học… nên chưa động viên kịp thời các điển hình tiên tiến trong công tác gia đình cũng như khắc phục những hạn chế, hiệu quả cuộc vận động chưa cao.
Vấn đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình chưa thực sự được người dân nhận thức một cách đầy đủ. Việc duy trì và thực hiện mô hình “Cụm dân cư không có người sinh con thứ ba trở lên” vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự đi vào chiều sâu nên cụm dân cư đạt tiêu chuẩn còn thấp.
Cán bộ làm công tác gia đình các cấp còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chưa đạt hiệu quả cao.
Kinh phí đầu tư cho công tác gia đình chưa đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động. Việc xã hội hóa công tác gia đình còn gặp nhiều khó khăn.