Sinh sống trong môi trường gia đình có nhiều thế hệ, mâu thuẫn gia đình khó tránh khỏi. Giải pháp hạn chế mâu thuẫn gia đình là mỗi người cần biết cảm thông với nhau, đặt mình vào vị trí của các thành viên khác để thấu hiểu suy nghĩ, tình cảm của họ đối với gia đình. Muốn vậy, các thành viên gia đình phải cùng nhau hướng về cội nguồn gia tộc, về tổ tiên. Các thế hệ tổ tiên khi còn tại thế đã luôn nỗ lực hết mình vì một gia đình hòa thuận, đoàn kết, mọi người yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau để cùng trưởng thành và khẳng định được bản thân bên ngoài xã hội. Thờ cúng tổ tiên như lời nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên và không quên nguyện vọng của tổ tiên có một gia đình yên ấm, hòa thuận.
Sự cảm thông trong gia đình thể hiện rõ qua dịp giỗ chạp, tang ma. Vào ngày đó, mọi người như một, đồng tâm đồng sức thực hiện chu toàn nghĩa vụ báo hiếu tổ tiên. Với cùng nỗi đau mất mát người thân, trước vong linh của người quá cố, trong không gian linh thiêng với khói hương nghi ngút, mọi người cùng chung đối tượng, cùng một niềm tin, cùng thực hiện hành vi thờ cúng dường như trở nên dễ thông cảm, bao dung hơn, rộng lòng tha thứ cho nhau để tìm sự đồng thuận mà cuộc sống đời thường khó tránh được có ít nhiều mâu thuẫn nảy sinh. Cũng như thế, ngày giỗ tổ tiên là ngày gia đình quần tụ. Con cháu ở khắp nơi trở về ngôi nhà tổ tiên đã từng sinh sống, kể cho nhau nghe những kỷ niệm đã có với người được cúng giỗ, chia sẻ với nhau những câu chuyện vui buồn, những thành công hay khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, mỗi người dường như đều cảm thấy hân hoan, vui vẻ. Mọi người thêm hiểu biết lẫn nhau. Có người tìm được sự giúp đỡ của người thân để vượt qua khó khăn đang gặp phải. Có thể thấy, hoạt động thờ cúng tổ tiên đem lại giá trị rất lớn cho mỗi người, đồng thời là chất kết dính cho gia đình ngày càng thêm gắn bó, đoàn kết.
Trong đời sống hiện đại, gia đình chủ yếu có 2 thế hệ. Mặc dù những yếu tố phức tạp tạo nên mâu thuẫn gia đình như đã từng thấy trong mô hình gia đình nhiều thế hệ giảm bớt, nhưng do sự tác động mạnh mẽ của lối sống, văn hóa phương Tây mà gia đình hiện đại cũng gặp không ít vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan việc thiếu hiểu biết lẫn nhau, thiếu kỹ năng cảm thông, chia sẻ dẫn đến sự vô cảm của con người từ gia đình ra đến ngoài xã hội.
Một trong những giá trị mới trong gia đình hiện nay là đề cao tính cá nhân hơn tính cộng đồng. Trong gia đình hiện đại, trẻ sớm tách khỏi các hoạt động chung với các thành viên khác, thu mình trong thế giới riêng hoặc “quăng mình” vào thế giới ảo. Mối quan hệ của chúng đối với gia đình lỏng lẻo hơn so với trẻ em trong xã hội truyền thống do cha mẹ của chúng phải vật lộn với những mưu toan của cuộc sống đầy rẫy may rủi trong nền kinh tế thị trường. Họ có ít thời gian để quan tâm và trực tiếp chăm sóc con cái. Các thành viên trong gia đình ngày càng thiếu sự giao lưu nên khả năng hiểu biết lẫn nhau hạn chế. Kết quả là dễ nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn, thậm chí xung đột, bạo lực gia đình.
Trẻ em cũng ít được cha mẹ giáo dục nền nếp, truyền thống của gia đình. Chúng có thể sớm được dạy các kỹ năng sống để thích nghi trong xã hội hiện đại nhưng lại không được giáo dục các kỹ năng ứng xử với những người thân trong gia đình – điều mà đã được các gia đình truyền thống xưa kia hết sức chú trọng. Hậu quả dẫn đến tình trạng trẻ xuất hiện cảm giác cô đơn, cô độc, thu mình, thiếu sự cảm thông, chấp trách, không biết cách chia sẻ tâm tư tình cảm ngay cả với những người thân yêu nhất trong gia đình của mình. Những vấn đề này có xu hướng ngày càng phổ biến ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý tâm thần của cá nhân và đe dọa đến sự bền vững của gia đình hiện đại. Giải pháp nào ngăn chặn xu hướng này? Chắc hẳn có rất nhiều giải pháp từ nhiều góc độ nghiên cứu khoa học và các nhà quản lý xã hội. Từ góc độ văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, tác giả cho rằng phát huy truyền thống văn hóa, tín ngưỡng là một giải pháp cần được lưu tâm, đặc biệt là tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên.
Hiện nay, Thờ cúng tổ tiên vẫn được đa số người Việt tin theo và thực hành thờ cúng. Cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, trong đó có sự chuyển đổi hình thức, cấu trúc gia đình, phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng đang có nhiều biến đổi. Đó là sự chuyển đổi chủ thể thờ cúng từ người con trai trưởng sang những người con khác, kể cả là con gái. Do công việc bận rộn hoặc khoảng cách địa lý xa xôi mà ngày giỗ, ngày tết không còn là ngày con cháu của người được cúng giỗ quây quần đoàn tụ bên nhau ở nhà gia trưởng. Nhiều người tự cúng giỗ tại ngôi nhà của mình. Để Thờ cúng tổ tiên tiếp tục lưu giữ và phát huy được truyền thống đồng cảm, sẻ chia, hòa thuận, gắn bó, đoàn kết gia đình thì mỗi người cần phải thực sự coi trọng truyền thống thờ cúng tổ tiên, chủ động sắp xếp thời gian dành cho gia đình, nhất là dịp giỗ, tết. Đó phải được xem là thời cơ thuận lợi vừa để bày tỏ sự nhớ ơn tổ tiên, vừa nhằm kết nối tình cảm gia đình, giáo dục rèn luyện kỹ năng ứng xử với người thân, bồi dưỡng tinh thần “tương thân tương ái”, hòa thuận, đoàn kết với mọi người.