Thờ cúng tổ tiên là sự thờ cúng những thế hệ trước trong gia đình, dòng họ đã qua đời, bao gồm: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ…. nhằm thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với công sinh thành, dưỡng dục, đồng thời thể hiện niềm tin linh hồn tổ tiên tiếp tục tồn tại bên cạnh con cháu dưới dạng vô hình, có khả năng che chở và trợ giúp con cháu giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thường ngày.
Trong quan niệm của người Việt Nam, tổ tiên tuy không hiện hữu bằng xương bằng thịt nhưng vẫn coi như được tồn tại như những thành viên trong gia đình. Tổ tiên tham gia vào mọi sự kiện diễn ra trong gia đình, từ việc vui cho đến việc buồn. Có trái ngọt đầu mùa, nhận tháng lương đầu tiên, thành công trong một thương vụ hay gia đình có thành viên mới,v.v… người ta đều không quên thắp nén nhang lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên tiên tổ và bày tỏ lòng biết ơn đối với họ. Người ta tin rằng sự thành công của bản thân và gia đình có sự phù trợ của tổ tiên. Tương tự, khi gặp rủi ro, bất hạnh, thất bại trong cuộc sống, người ta cũng thường cầu xin tổ tiên giúp đỡ, chở che cho tai qua, nạn khỏi. Ngày giỗ, ngày tết, tang ma, hiếu hỉ – bất cứ sự kiện gì của gia đình, tổ tiên đều được thỉnh mời tham dự. Khi nén nhang còn cháy, tổ tiên vẫn còn hiện diện trong căn nhà của cháu con. Vì thế, mọi cử chỉ, nói năng, thái độ, hành vi của các thành viên trong gia đình đều phải hết sức đúng mực. Có thể thấy, từ quan niệm “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” mà những di sản tư tưởng, tâm lý, tình cảm, đạo đức của các thế hệ tổ tiên được các thế hệ con cháu tiếp nối thực hiện và lưu truyền trong gia đình, dòng họ qua tục thờ cúng tổ tiên.