Phần lớn người Việt Nam đều thừa nhận rằng Thờ cúng tổ tiên đóng vai trò quan trọng trong việc tu dưỡng và giáo dục các phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp cho các thành viên trong gia đình. Kết quả nghiên cứu khảo sát của tác giả năm 2015 cho thấy có tới 87,9% khách thể trả lời phiếu tin rằng việc duy trì phong tục Thờ cúng tổ tiên tại nơi gia đình sinh sống góp phần giáo dục truyền thống đạo đức gia đình của họ, trong khi số người trả lời không tin vào giá trị này chỉ chiếm tỉ lệ 0,4%. Những người tin rằng Thờ cúng tổ tiên có vai trò giáo dục truyền thống đạo đức gia đình cũng cho rằng thông qua việc thờ cúng tổ tiên giúp bản thân và các thành viên trong gia đình tu dưỡng nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp, như : lòng biết ơn, sự hiếu thảo, lòng nhân ái, đức hy sinh, tinh thần cầu tiến, tính cần cù, siêng năng, chăm chỉ, v.v… Tác động lớn nhất của Thờ cúng tổ tiên đến sự hình thành đạo đức con người Việt Nam là lòng biết ơn, sự hiếu thảo đối với các thế hệ tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Lòng biết ơn là giá trị đạo đức truyền thống của toàn thể dân tộc Việt Nam đã và đang được gìn giữ và phát huy qua phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Tác giả Nguyễn Hạnh, trong cuốn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã viết: “Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, đỉnh cao của vũ trụ quan là Đạo Thờ Trời, đỉnh cao của nhân sinh quan là Đạo Làm Người, trong đó Đạo Hiếu đứng hàng đầu… Cả vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt đều bắt đầu bằng chữ ÂN/ƠN” . Lòng biết ơn thể hiện đặc biệt sâu sắc qua Thờ cúng tổ tiên. Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng này chính là lòng biết ơn đối với sự sinh thành, dưỡng dục, yêu thương, chăm sóc, sự che chở của ông bà, cha mẹ và các thế hệ trước đối với thế hệ sau. Con cháu thể hệ lòng biết ơn của mình đối với tổ tiên không chỉ ở sự tôn kính, sự quan tâm, chăm sóc cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ khi họ còn sống mà cả còn phải phụng thờ khi họ đã mất.
Việc phụng thờ tổ tiên thường xuyên nhắc nhở người ta không bao giờ được quên công lao của tổ tiên đối với bản thân và gia đình, đồng thời bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn của mình. Thái độ, hành vi kính cẩn của người lớn trong gia đình đối với tổ tiên có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục lòng hiếu thảo cho các thành viên trong gia đình, nhất là cho trẻ em. Điều này tác giả rút ra từ việc phỏng vấn sâu 27 người trưởng thành (từ 25 tuổi đến 87 tuổi) ở 3 tỉnh, thành Bắc Ninh, Hà Nội và Ninh Bình. Một trong số đó cho rằng: “muốn giáo dục lòng hiếu thảo cho trẻ em con cháu trong nhà thì cha mẹ phải là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo. Các bậc cha mẹ phải thể hiện sự nhớ thương, thờ cúng tử tế cho ông bà, tổ tiên, luôn nhắc nhở đến công lao của tổ tiên đối với gia đình khi họ còn sống. Con cái thấy hành động của cha mẹ như vậy thì nhất định sẽ kính trọng cha mẹ mà ngoan ngoãn, đối xử tốt với cha mẹ. Cha mẹ mà không đối xử tốt với các bậc sinh thành, bỏ bê thờ cúng, trẻ sẽ không coi trọng cha mẹ cũng như không coi trọng việc thờ cúng cha mẹ sau này khi cha mẹ đã về với tổ tiên”. Như vậy cho thấy phần nào cho thấy người dân ý thức rất rõ việc thờ cúng tổ tiên là một biện pháp giáo dục lòng hiếu thảo một cách trực tiếp và hữu hiệu. Có thể nói, qua hoạt động thờ cúng tổ tiên trong gia đình, truyền thống biết ơn, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của gia đình Việt Nam, của dân tộc Việt Nam sẽ được bảo tồn và tiếp tục lưu truyền mãi mãi cho dù quy mô, hình thức, cấu trúc gia đình Việt Nam có thể thay đổi do sự tác động của các yếu tố khách quan.