Tinh thần trách nhiệm cũng là một trong những phẩm chất đáng quý của người Việt Nam, được hình thành và phát huy trước hết trong gia đình qua tục Thờ cúng tổ tiên. Trong xã hội phong kiến, do ảnh hưởng sâu đậm bởi Khổng giáo, người Việt Nam tự cảm thấy bản thân có trách nhiệm sinh nhiều con, đặc biệt phải sinh con trai “nối dõi tông đường” nhằm mở rộng gia đình, nối dài huyết thống dòng họ. Thờ cúng tổ tiên đã củng cố vững chắc tinh thần trách nhiệm này khi có quy định chỉ có con trai mới được thờ cúng tổ tiên. Con trai trưởng đóng vai trò chủ tế, có trách nhiệm phát triển gia tộc cả về quy mô và chất lượng, lãnh đạo quản lý gia đình bằng nề nếp gia phong nên được các thành viên gia đình kính trọng, tin tưởng và phục tùng. Trách nhiệm của các thành viên còn lại trong gia đình là hoàn thành những nhiệm vụ mà người gia trưởng giao cho, noi gương gia trưởng và tuân thủ nền nếp gia phong đã được định hình từ trong qua khứ. Ngày nay, do sự chuyển đổi mô hình gia đình từ kiểu gia đình mở rộng đa thế hệ sang kiểu gia đình hạt nhân chỉ có hai thế hệ, mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con nên vai trò trưởng – thứ, con trai – con gái trong việc phụng dưỡng cha mẹ, thờ phụng tổ tiên không còn phân định rạch ròi như trước nữa. Mỗi gia đình đều lập bàn thờ tổ tiên, mỗi người đều trở thành chủ tế của hoạt động thờ cúng. Vì vậy, trách nhiệm giữ gìn truyền thống, nền nếp gia phong tự động được chuyển giao cho những người làm cha mẹ. Ứng xử của họ đối với các thế hệ trước, với tổ tiên là tấm gương cho con cái học tập và làm theo.
Cũng do ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng giáo, người xưa rất coi trọng sự thành danh, thành đạt của cá nhân ở bên ngoài xã hội. Sự thành đạt của mỗi người được xem là thành đạt chung của cả gia đình, dòng họ, của tổ tiên. Nên, người ta thi đỗ làm quan, việc trước tiên là phải “vinh quy bái tổ”. Ngày nay, khi thành công trong học tập, công việc, nhiều gia đình người Việt vẫn giữ truyền thống báo cáo với tổ tiên. Điều đó cho thấy, ý niệm về tổ tiên cùng việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình có tác động đến sự phấn đấu của cá nhân trong cuộc sống. Nói cách khác, sự phấn đấu để thành công của cá nhân phần nào đó thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và với truyền thống của tổ tiên.
Ngày nay, tinh thần trách nhiệm đối với gia đình vẫn được thể hiện ở chỗ mỗi thành viên đều phải nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để đạt được những thành tích cao trong học tập, hiệu quả trong lao động sản xuất hoặc đạt được vị trí cao được cộng đồng và xã hội công nhận. Thờ cúng tổ tiên có đóng góp một phần trong việc lưu giữ tinh thần trách nhiệm đó. Với niềm tin tổ tiên còn mãi bên con cháu, là một thành viên đáng kính trọng của gia đình, luôn quan tâm dõi theo con cháu trên mọi bước đường đời, người ta sẽ có thêm động lực hành động chứng tỏ bản thân, đồng thời làm rạng danh gia đình, vui lòng người đã khuất.