Gia đình văn hóa là hạt nhân xây dựng cộng đồng văn hóa. Một gia đình luôn giữ gìn hạnh phúc, nền nếp, ông bà gương mẫu; vợ chồng thủy chung, nghĩa tình; con cái hiếu thảo; anh em hòa thuận, chia sẻ sẽ trở thành tấm gương để các gia đình khác noi theo. Đó cũng chính là mục tiêu hướng tới của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ được thí điểm thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Thái Bình.
Trong những năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Thái Bình đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc quan tâm chỉ đạo triển khai và chính do phong trào hợp lòng dân nên được đông đảo các tầng lớp nhân dân hào hứng, đồng tình tham gia.
Triển khai xây dựng gia đình văn hóa cũng là một hoạt động đáng ghi nhận trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Lĩnh vực hoạt động này đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo địa phương, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có trên 519.000/582.000 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa (tỷ lệ 89,2%). Những gia đình văn hóa là những nhân tố đóng góp tích cực cho các phong trào tại địa phương, đặc biệt thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Có nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều gia đình hiếu học, nề nếp gia phong, gia đình vượt khó, gia đình tích cực xây dựng nông thôn mới… trở thành những tấm gương mẫu mực cho các hộ gia đình khác phấn đấu noi theo.
Lan tỏa những yêu thương
Kinh tế ở mức trung bình nhưng cuộc sống của gia đình ông Vũ Mạnh Khương và bà Trần Thị Hợi ở thôn Cập, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà luôn tràn ngập tiếng cười. Gần 50 năm chung sống, ông bà ít khi lời qua tiếng lại mà luôn động viên cùng nhau vượt gian khó, chung tay xây dựng tổ ấm. Dù tuổi đã hơn 70 nhưng ông bà vẫn nhận cấy hơn 8 sào ruộng và phát triển kinh tế từ vùng đất chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao, thả cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình khoảng 100 triệu đồng. Trong cách dạy con, ông Khương dựa theo nguyên tắc lấy tình cảm yêu thương để chỉ bảo.
Ông chia sẻ: Bố mẹ là tấm gương để các con soi. Vì thế, nếu bố mẹ cứ cãi vã, mắng chửi nhau thì con cái sẽ sinh chán nản và dễ sa ngã. Bởi vậy, gia đình tôi luôn giữ hòa khí, tránh mâu thuẫn. Khi các con đã lớn, tôi thường chỉ bảo và phân tích nhẹ nhàng để con hiểu ra vấn đề chứ không mắng chửi.
Noi gương bố mẹ, giữ nếp gia đình, các con ông bà đều chăm ngoan, hiếu thuận, hiện 4 người đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và việc làm ổn định. Người con trai lớn Vũ Văn Dân hiện đang là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn; hai con trai thứ là Vũ Văn Cừ và Vũ Văn Cương đang công tác tại Bình Dương và Quảng Ninh. Cô con gái Vũ Thị Mùa đang làm việc tại công ty gốm ở địa phương.
Trong hoạt động xã hội, gia đình ông Khương luôn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào của địa phương. Bản thân ông có 36 năm công tác ở nhiều chức vụ như đội phó, đội trưởng HTX thôn Cập, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn… và hiện nay là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Cập. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao và có nhiều sáng kiến góp phần phát triển kinh tế địa phương. Giai đoạn 1985 – 1989, ông đã cùng lãnh đạo thôn tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân không sinh con thứ ba. Sự nhiệt tình, tích cực của ông được nhân dân hưởng ứng khi 5 năm liền thôn Cập không có người sinh con thứ ba và từng ấy năm ông được công nhận chiến sĩ thi đua cấp huyện.
Gia đình ông Khương là một gia đình gương mẫu về mọi mặt. Người dân trong thôn ai cũng quý mến bởi lối sống giản dị, hiền hòa. Bản thân ông Khương là người năng động, rất tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và luôn gương mẫu đi đầu. Từ việc làm của bố, các con ông cũng nhiệt tình với phong trào của địa phương. Ghi nhận điều đó, nhiều năm liền gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa.
Thực tế đã chứng minh để có gia đình hạnh phúc thì mọi thành viên trong gia đình đều yêu thương và tôn trọng nhau, biết chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, tích cực tham gia hoạt động xã hội, biết tạo dựng sự bình đẳng giữa các thành viên. Trong đó, bên cạnh vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình không thể không nhắc tới vai trò của người chồng, người cha.
Thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại 12 tỉnh, thành phố
Từ thực tế trên cũng như yêu cầu cấp thiết của việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình trong xã hội nhằm khắc phục các vấn nạn liên quan đến hôn nhân – gia đình đang có chiều hướng gia tăng, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo Quyết định số 4843 /QĐ-BVHTT&DL ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ Tiêu chí ứng xử được áp dụng cho các thành viên trong gia đình (theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại.
Bốn tiêu chí ứng xử chung của Bộ Tiêu chí là: Tôn trọng (đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau; Bình đẳng (có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình); Yêu thương (có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau); Chia sẻ (cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn).
Nhằm mục đích đánh giá tính khả thi, đề xuất giải pháp hoàn thiện và triển khai áp dụng chính thức Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi cả nước, đầu tháng 11/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo đó, phạm vi thực hiện Bộ Tiêu chí trên phạm vi toàn quốc và tiến hành các hoạt động thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí tại các tỉnh/TP vào 2 năm (2019 – 2020).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí tại địa bàn 12 tỉnh/ TP đại diện cho các vùng, miền văn hóa trên cả nước, gồm: Vùng văn hóa Tây Bắc: Lào Cai, Yên Bái; Vùng văn hóa Việt Bắc: Cao Bằng, Quảng Ninh; Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ: Hà Nội, Thái Bình; Vùng văn hóa Trung Bộ: Thừa Thiên – Huế, Bình Thuận; Vùng văn hóa Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắk Lắk; Vùng văn hóa Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh TP còn lại căn cứ điều kiện thực tế, chủ động triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí theo điều kiện đặc thù của địa phương và kế hoạch hướng dẫn của Bộ. Năm 2021 sẽ tổng kết hoạt động thí điểm Bộ Tiêu chí.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã lựa chọn xã Phú Lương (huyện Đông Hưng), phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) là 2 địa phương tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong quá trình triển khai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình sẽ chú trọng tuyên truyền về kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình; phê phán các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi và các văn bản liên quan khác./.
Nguồn: sovhttdl.thaibinh.gov.vn