Ngày 05 tháng 4 năm 2016, Quốc hội ban hành Luật trẻ em (Luật số 102/2016/QH13), Luật có hiệu lực ngày 01/6/2017.
Theo quy định của Luật thì:
Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. (Khoản 5, Điều 4, Luật trẻ em năm 2016)
Như vậy, theo quy định của Luật trẻ em, chúng ta có thể nhận diện tất cả các hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em đều được coi là hành vi xâm hại trẻ em.
Còn theo quan niệm của tổ chức Liên hợp quốc thì: Xâm hại trẻ em, đó là tất cả các hình thức đối xử tồi tệ về mặt tình cảm hay thể chất, xâm hại tình dục hay các mục đích khác gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ.
Do vậy, chúng ta luôn phải phòng, chống xâm hại trẻ em cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ trẻ em, đảm bảo cho trẻ luôn được sống trong môi trường an toàn.