Gia đình có bốn chức năng cơ bản, trong đó chức năng giáo dục, xã hội hoá là một chức năng quan trọng. Với chức năng này, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, có vai trò quan trọng nhất trong quá trình xã hội hoá cá nhân để hoà nhập vào cộng đồng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “ Nhiều gia đình cộng lại thì mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Từ lập luận trên đây cho thấy thể chế hoá việc xây dựng gia đình là nơi hình thành môi trường nhân cách văn hoá và giáo dục nếp sống cho con người chính là năng cao năng lực và trách nhiệm của gia đình để thực hiện chức năng giáo dục, xã hội hoá cá nhân góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu “đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Điều này là hết sức cần thiết.
Nhân cách là hệ thống phẩm giá của một người, là tư cách làm người, được hình thành và phát triển theo tiến trình sống của con người. Là kết quả của quá trình giáo dục học tập và rèn luyện, trong đó giáo dục gia đình chiếm giữ vai trò đặc biệt quan trọng (thậm chí mang tính quyết định). Bởi “ Không có ngôi trường nào tốt bằng gia đình. Không có người thầy nào tốt như cha mẹ” (Mahatman Gandi). Trong 3 môi trường giáo dục ( Gia đình – Nhà trường – Xã hội ) thì giáo dục của nhà trường, của xã hội chỉ là sự tiếp nối của giáo dục gia đình chứ không thể thay thế cho giáo dục gia đình. Tuổi thơ bao giờ cũng gắn bó và phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình. Dân gian có câu: “Dạy con từ thủa còn thơ” là vì vậy.. Tuổi thơ là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành và ổn định nhân cách một con người. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng đến 6 tuổi, nhân cách của một con người đã cơ bản được hình thành và có tính ổn định tương đối. “Một đứa trẻ được dạy tự biết làm việc nhà, đỡ đần cha mẹ khi lớn lên sẽ biết yêu thương và tôn trọng. Một đứa trẻ được dạy khi ăn phải vét sạch đến hạt cơm cuối cùng thì lớn lên sẽ thành người biết trân quý sức lao động, không phung phí xa hoa. Một đứa trẻ được ông bà, cha mẹ dạy quét nhà phải quét từng ngóc ngách, quét đường nhà mình phải quét cả lối đi chung cho hàng xóm thì lớn lên thành người có tính cẩn thận, không làm trớt trát và có trách nhiệm với cộng đồng.Một đứa trẻ được dạy biết yêu thương con vật, không hành hạ bất cứ con gì để làm trò vui thì lớn lên sẽ có lòng nhân ái, tình thương yêu, nó khó có thể làm điều ác”.
Đây chính là nhân cách. Đây chính là đạo đức và lối sống được hình thành từ trong gia đình là chủ yếu.
Bước đầu tổng quan lại (chưa đầy đủ) thực trạng thể chế việc xây dựng gia đình là nơi hình thành môi trường nhân cách văn hoá và giáo dục nếp sống cho con người có thể rút ra mấy điều cần quan tâm sau:
Thứ nhất: Hiện các văn bản quy phạm (cũng như các văn bản hành chính) thiếu chặt chẽ, minh định về khái niệm “nhân cách”, “ giáo dục nếp sống”. Dường như việc thể chế hoá mới dừng ở “quan điểm”, “ chủ trương” , “mục đích”… của Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, “Chương trình”…Bởi vậy tính “thể chế hoá” chưa cao dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ còn chung chung không đo lường được kết quả.
Thứ hai: Cơ quan tham mưu, các cơ quan quản lý chưa quan tâm hoặc ít quan tâm đến việc đo lường mức độ, chất lượng của nhiệm vụ “xây dựng gia đình là nơi hình thành môi trường nhân cách văn hoá và giáo dục nếp sống cho con người”.