Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành khi giải thích khái niệm bạo lực gia đình (BLGĐ) đã đưa ra khái niệm thành viên gia đình nhằm phân biệt với những người không phải là thành viên gia đình, song không giải thích thế nào là thành viên gia đình. Những ai là thành viên gia đình. Từ đó dẫn đến thực tế khi có vụ việc bạo lực xảy ra, có địa phương cho rằng đó là BLGĐ, có địa phương cho rằng đó không phải là BLGĐ do họ không phải là thành viên gia đình.
Để khắc phục tình trạng này, Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2014 đã giải thích về khái niệm thành viên gia đình.
Đến năm 2014, khái niệm này chính thức được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: “Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.” (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).