Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng báo cáo tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.
Theo Báo cáo, Chương trình đã đạt được những kết quả theo các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao như: 100% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ; 92.8% lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ; 138 báo cáo viên về PCBLGĐ; 100% nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; 100% người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi; 100% xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ.
Trong giai đoạn từ năm 2014-2020, thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai các hoạt động tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên y tế của trạm y tế cấp xã về chuyên môn chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân như: Tổ chức 10.973 cuộc tập huấn cho cán bộ phụ trách dân số, kế hoạch hóa gia đình, trạm y tế… với 766.291 lượt người tham dự. Tổ chức 09 điểm tư vấn sức khỏe sinh sản miễn phí cho 59.286 tại khu chế xuất – khu công nghiệp đông công nhân, người lao động. Thực hiện tư vấn miễn phí trực tiếp 16.782 lượt người, qua điện thoại 6.342 lượt, tư vấn qua email 1.120 lượt… Tổ chức 3.426 cuộc truyền thông, tư vấn miễn phí về giới và giới tính khi sinh cho 41.599 cặp nam nữ thanh niên đăng ký kết hôn. Tổ chức 200 cuộc khám lưu động chăm sóc sức khỏe sinh sản miễn phí.
Tuy nhiên, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong thời gian tới công tác quản lý hành chính nhà nước về lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cần không ngừng được quan tâm, chỉ đạo, bố trí đủ về số lượng và chất lượng cán bộ phụ trách công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; đồng bộ trong phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, tăng cường phối hợp của các ban ngành, đoàn thể.