Ngày 04/11/2022, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 5036/BC-SVHTT về báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.
Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai nhiều nội dung thực hiện Đề án, trong đó có một số nội dung nổi bật như sau:
Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng 02 video tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) tần số 87.7 MHz từ 12g00 đến 12g30 định kỳ ngày thứ năm tuần thứ 3 của tháng; tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh của 05 huyện vào thời gian thích hợp trong tuần cho hội viên nông dân và Nhân dân ngoại thành. Biên soạn, in ấn, phát hành 310.200 đơn vị tài liệu có nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, 1.310 quyển Sổ tay công tác gia đình. 1.700 cuốn sách “Sổ tay nghiệp vụ công tác gia đình”, 120.000 bản tờ gấp “Một số hành vi và mức xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình” và 120.000 tờ gấp về “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” và chuyển giao cho cơ sở 2.100 đơn vị tài liệu (sách, đĩa); 130 cuốn sách “Công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay”, 202 cuốn sách “Tuyển tập tác phẩm đạt giải cuộc thi viết về tấm gương điển hình trong phòng, chống bạo lực gia đình”, 202 cuốn “Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình ở Việt Nam hiện nay”, Sách xanh về gia đình Việt Nam, đĩa … do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn; 7.000 sổ tay Hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai; 19.000 cuốn Cẩm nang hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai cho các cấp chính quyền; 200.000 tờ bướm thông tin, tuyên truyền Quỹ phòng, chống thiên tai thành phố; 150.000 tờ bướm tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng cơ bản phòng, chống đuối nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; 360.000 tờ rơi “Những điều bà mẹ mang thai và nuôi trẻ dưới 3 tuổi cần biết” và “Cha mẹ có con vị thành niên cần biết”, 500.000 tờ rơi về thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, 3.600 cuốn tài liệu kiến thức tiền hôn nhân, 100.000 tài liệu về phòng, chống mua bán phụ nữ – trẻ em và phát hành Báo Phụ nữ (3 tờ/kỳ, mỗi tuần 3 kỳ) và cuốn Thông tin Gia đình và Đời sống.
Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt chỉ tiêu đề ra “Phấn đấu xây dựng đội ngũ báo cáo viên về phòng, chống bạo lực gia đình cấp thành phố 10 người”, cấp quận, huyện 48 người vào cuối năm 2015; cấp thành phố 40 người, cấp quận – huyện 72 người vào năm 2020.
Thời gian qua, nhiều nội dung được triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên còn một số hạn chế như sau: Thứ nhất, hiện nay đã có tổ hòa giải theo quyết định Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; tuy nhiên lực lượng hòa giải viên tại cơ sở thường xuyên thay đổi, chưa ổn định, chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về hoà giải những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Thứ hai, hòa giải là một hoạt động khó, đòi hỏi người hòa giải phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, am hiểu tâm lý con người, nhất là diễn biến tâm lý trong quá trình hòa giải, sự kiên nhẫn, mềm dẻo. Hiện nay số lượng cán bộ đáp ứng được các kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải chưa nhiều, đặc biệt là người có chuyên môn hòa giải mâu thuẫn các thành viên trong gia đình rất ít, việc tìm kiếm chuyên gia đầu ngành về hòa giải rất khó. Thứ ba, các kiến thức, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên ở cơ sở chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, một số còn hòa giải theo kinh nghiệm.