Ngày 21 tháng 8 năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xây dựng báo cáo số 235/BC-UBND về việc tổng kết triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo, kết quả đạt được theo chỉ tiêu Thủ tướng chính phủ giao về Tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đạt 96%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLĐ đạt 100%; Tỷ lệ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 100%; Số lượng báo cáo viên về PCBLGĐ của thành phố là 05 người; Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân đạt 100%; Tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi đạt 100% và Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ đạt 100%.
Bên cạnh những ưu điểm trong việc triển khai thực hiện Chương trình thì vẫn còn một số những khó khăn, hạn chế như sau: Công tác triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ ở một số nơi trên địa bàn thành phố còn chậm; Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về gia đình ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không ổn định; Trong xử lý vi phạm pháp luật về PCBLGĐ cũng gặp nhiều khó khăn do nạn nhân và người thân trong gia đình không hợp tác, hàng xóm, láng giềng ngại va chạm không tố giác; Việc xử lý các hành vi vi phạm Luật PCBLGĐ đôi lúc, đôi nơi chưa kịp thời, thiếu tính răn đe; Tổ hoà giải phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức của tổ dân phố nên sau mỗi lần bầu lại tổ dân phố hoặc các hội đoàn thể có liên quan thì thành viên tổ hoà giải cũng phải thay đổi; Trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hoà giải viên cơ sở chưa đồng đều và còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở. Công tác tư vấn về PCBLGĐ đòi hỏi cán bộ phải có trình độ và được đào tạo một cách bài bản trong khi phần lớn cán bộ tại cơ sở được đào tạo từ nhiều ngành khác nhau và đa số chỉ có trình độ chuyên môn trung cấp, do đó dẫn đến một số vụ BLGĐ (bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế) khó được ngăn chặn hoàn toàn mặc dù đã được tư vấn, hoà giải nhiều lần. Một số gia đình có bạo lực nhưng không ai biết, đến lúc ly hôn mới xác định được.