Ngày 28 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã xây dựng Báo cáo số 2879/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 05 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3828/QÐ-UBND ngày 16/11/2012 về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Thanh Hóa, 100% các sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú, linh hoạt giữa các mốc thời gian trong năm, trong giai đoạn, các cấp, các ngành đã từng bước cụ thể hóa tinh thần Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu, nhận thức, hành động phù hợp với định hướng và tinh thần của Chiến lược. Đối với các xã, phường, thị trấn: 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lồng ghép việc triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trong các kỳ sinh hoạt định kỳ của xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về ứng xử, giao tiếp, lối sống giữa các thành viên trong gia đình, nhất là trong việc chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh sự xuống cấp về đạo đức, một số giá trị truyền thống đang dần phai nhạt và có sự biểu hiện của lối sống thực dụng, ích kỷ cá nhân. Từ đó, dẫn đến các vụ bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Công tác giáo dục đời sống gia đình được triển khai ở nhiều nhóm đối tượng và địa bàn dân cư có nhiều biến đổi tích cực nhưng chưa đồng bộ và một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Các loại hình câu lạc bộ/đội/nhóm tại cộng đồng phát triển về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế (vì nhiều lý do: kinh phí hỗ trợ, nội dung sinh hoạt và hình thức tổ chức). Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình chưa đáp ứng so với yêu cầu của một tỉnh lớn, đông dân; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình ở xã, phường, thị trấn còn nhiều biến động và kiêm nhiệm nhiều công tác khác; chế độ bồi dưỡng còn thấp nên chưa an tâm công tác.