Ngày 16 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã xây dựng Báo cáo số 1153/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Sau 15 năm tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư, tình hình triển khai về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, nhất là công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đã được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, qua đó không ngừng nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ mới; các cấp chính quyền từng bước đã có chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình, đem lại hiệu quả đáng ghi nhận; công tác xây dựng gia đình đã từng bước trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp uỷ đảng và đạt được một số kết quả nhất định; ngày càng có nhiều gia đình thực hiện mô hình ít con và có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình khá giả, hạnh phúc; công tác giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường được phát huy. Những kết quả đạt được trong công tác gia đình đang từng bước góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác gia đình; công tác chăm sóc giáo dục đạo đức lối sống gia đình. Nhận thức và vai trò trách nhiệm ở một số cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về công tác gia đình còn hạn chế; trên địa bàn tỉnh còn xảy ra những vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng; Sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về lối sống trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Các nhiệm vụ của công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa gắn với các biện pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn nhất là đầu tư kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
Công tác phối hợp giữa các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể với chính quyền địa phương có lúc có nơi còn chưa được đồng bộ, chặt chẽ, dẫn đến một số kế hoạch, nội dung triển khai chưa thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và chấp hành pháp luật về gia đình Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới và các đề án, chiến lược về gia đình tại một số địa bàn khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, ít người còn hạn chế, chưa tạo được sự lan tỏa; việc tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa được nhiều, thiếu kiến thức, không có kỹ năng bảo vệ bản thân và gia đình…
Công tác thông tin, tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt tuy có triển khai nhưng chưa được thực hiện thường xuyên và chưa đi vào chiều sâu.
Công tác giáo dục đạo đức trong từng gia đình còn xem nhẹ, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên chưa cao.
Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình thay đổi thường xuyên nhất là ở cấp xã. Cán bộ làm công tác gia đình chưa được đào tạo chuyên ngành về gia đình và phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau. Công tác tham mưu, định hướng, chiến lược, dự báo tác động đối với lĩnh vực còn hạn chế.
Công tác thu thập dữ liệu, tổng hợp báo cáo số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa được đầy đủ do cán bộ ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều đầu việc và luân chuyển thường xuyên.
Kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu dẫn đến hiệu quả hoạt động tuyên truyền chưa cao.