Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, gia đình, toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2008, trong đó quy định rất rõ những hành vi được coi là bạo lực gia đình, các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình…
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, những quy định của Luật chưa được nhiều người quan tâm và biết đến ngoài các cơ quan có trách nhiệm phải tuyên truyền, vì vậy tình trạng bạo hành gia đình vẫn cứ tồn tại và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ gia đình, tỷ lệ gia đình trẻ ly hôn ngày càng tăng đáng báo động, đằng sau cuộc chia tay của cha mẹ là nỗi bất hạnh của những đứa con; đằng sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Những hành vi được coi là bạo hành gia đình trong đó tập trung là bạo hành về thể xác, bạo hành về tinh thần, bạo hành về tình dục, bạo hành về kinh tế… vẫn luôn diễn ra rất phổ biến; đối tượng gây ra bạo hành có thể là bố mẹ đối với con cái và ngược lại, giữa chồng đối với vợ và ngược lại; giữa anh chị em lẫn nhau… Sẽ là bất hạnh nếu như những ai luôn phải sống trong một gia đình thường xuyên xảy ra bạo hành. Điều đáng nói là mặc dù hiện tượng đó luôn xảy ra, nhiều người biết nhưng người xung quanh vẫn coi đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, cơ quan quản lý nhà nước không có biện pháp tích cực (nhiều vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt dường như còn quá nhẹ. Vì vậy tính phòng ngừa răn đe hạn chế), bản thân người bị bạo hành cũng không lên tiếng, nhất là phụ nữ có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “Vạch áo cho người xem lưng”, “Xấu chàng hổ ai”…
Bạo hành gia đình chỉ có thể hạn chế và chấm dứt khi mỗi người, mỗi tổ chức, xã hội coi đó không phải là câu chuyện đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình mà phải là trách nhiệm cần phải giải quyết của xã hội, bởi vì khi xảy ra bạo hành gia đình thì liên quan đến vấn đề xã hội rất lớn đó là chăm sóc y tế, bất ổn xã hội. Theo số liệu khảo sát xã hội học cho thấy: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%. Đặc biệt, hậu quả của bạo hành gia đình đối với thế hệ trẻ là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Để nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội chung tay phòng, chống bạo lực gia đình. Ngày 08/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 363/QĐ- TTg lấy tháng 6 hằng năm là “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” nhằm vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2016 là: “Gia đình nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình” nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của gia đình trong bảo vệ sự an toàn cho mỗi thành viên ngay tại gia đình.
Để là người được hưởng thụ cuộc sống tinh thần thoải mái nhất, mỗi chúng ta hãy tự nâng cao về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, hãy tự tìm hiểu và học những cách ứng xử gia đình để biết cách giải quyết những vướng mắc, các mối quan hệ trong gia đình một cách tốt đẹp nhất, hãy tự biết bảo vệ bản thân khi có bạo lực xảy ra, có như vậy chất lượng cuộc sống mới được nâng lên từ nền móng một gia đình yên ấm. Trách nhiệm của xã hội, các ngành chức năng, các tổ chức CT- XH hãy tăng cường tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo hành gia đình, hãy lên án mạnh mẽ những hành vi bạo hành gia đình, hãy xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm Luật và hãy biểu dương, tôn vinh những gia đình tiêu biểu thường xuyên. Tất cả vì mục tiêu xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, hãy chung tay ngăn chặn và đẩy lùi bạo hành gia đình để mỗi người được sống yên lành hơn và tôn trọng pháp luật hơn./.
nguồn “http://sotttt.sonla.gov.vn”