Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 01 Quyết định và ban hành 1 Thông tư của Bộ có nội dung bổ sung nạn nhân của bạo lực gia đình là một trong những nhóm đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Trong lĩnh vực Trẻ em cũng đã tham mưu đưa vào Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị quyết, 05 Quyết định, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình thành các chỉ tiêu của Chiến lược, Chương trình hành động và các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt vừa qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốcgia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 trong đó Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó tiếp tục thực hiện mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với 4 chỉ tiêu cụ thể gồm:
+ Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
+ Chỉ tiêu 2: Đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
+ Chỉ tiêu 3: Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
+ Chỉ tiêu 4: Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Việc tiếp tục đặt ra các chỉ tiêu này dựa trên kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, trong đó sự bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, mặc dù đã có tiến bộ nhất định song vẫn là vấn đề cần phải có biện pháp can thiệp, nhất là đối với những công việc không được trả công như nội trợ, chăm sóc gia đình cần có sự tham gia quyết liệt hơn của nam giới nhằm chia sẻ gánh nặng với người phụ nữ.