Ngày 31 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Báo cáo số 1747/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2020
Việc triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các chương trình, đề án về gia đình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội LHPN… đã tiến hành triển khai thí điểm nhiều mô hình về gia đình: Năm2008 thí điểm mô hình về các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn 5 tổ dân phố thuộc phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên và triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh sau 3 năm thực hiện. Năm 2010, xây dựng, triển khai điểm “Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” tại huyện Đại Từ và mở rộng Đề án ra các huyện, thành phố, thị xã còn lại trong năm 2012; xây dựng 01 mô hình điểm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại xã Tiên Hội huyện Đại Từ; xây dựng 01 mô hình thí điểm “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” tại xã Tiên Phong – Thị xã Phổ Yên…. Việc triển khai, thực hiện các mô hình, đề án trên địa bàn tỉnh đã góp phần tuyên truyền đến các cấp, các ngành và người dân, làm cho mỗi gia đình, cơ quan, đoàn thể hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ và phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công, làm tiền đề để nhân rộng bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tại các xã, phường còn lại trên địa bàn tỉnh.
Năm 2010, toàn tỉnh có 30.779 hộ nghèo, tỷ lệ hộ gia đình thoát nghèo đạt 2,99%; Năm 2019 còn 14.341 hộ nghèo, tỷ lệ hộ gia đình thoát nghèo đạt 2,04%. Năm 2010, toàn tỉnh có 431 vụ bạo lực gia đình; Năm 2019 có 53 vụ bạo lực gia đình. Năm 2010, toàn tỉnh có 221.693 hộ gia đình đạt Gia đình văn hoá (đạt 77,40%); năm 2019 có 291.633 hộ gia đình đạt Gia đình văn hoá (đạt 90,57%). Tính đến nay, toàn tỉnh có 805 CLB Phòng, chống bạo lực gia đình/CLB Gia đình phát triển bền vững, 1.531 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 319 Nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 471 đường dây nóng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác gia đình chưa được đưa vào Nghị quyết của cấp ủy cũng như kế hoạch của chính quyền hằng năm làm ảnh hưởng đến kết qủa thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền giáo dục nhiều nơi còn hạn chế; Các tài liệu chuyên sâu về công tác gia đình, xây dựng gia đình còn ít, thiếu hấp dẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và cơ sở. Kinh phí dành cho công tác gia đình còn hạn chế, có nơi chưa chủ động bố trí kinh phí, nhân lực nên việc triển khai các hoạt động còn gặp khó khăn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có nơi chưa đồng bộ. Quản lý của một số ngành về số liệu có liên quan đến công tác gia đình không đầy đủ. Một số địa phương thực hiện báo cáo, thống kê chưa thường xuyên; Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là thiếu mạng lưới cộng tác viên tại các xóm, tổ. Tình trạng ly hôn, sống chung không kết hôn, việc nạo phá thai có chiều hướng gia tăng, các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, ma túy, cờ bạc, bạo lực gia đình… đang còn diễn biến phức tạp và xâm nhập vào từng gia đình, nhất là thế hệ thanh thiếu niên.