Các Sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch 49/KH-UBND ngày 27/5/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 30/9/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 23/3/2017của UBND tỉnh về thực hiện quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; văn bản số 401/BCĐ-SVHTTDL ngày 29/3/2017 về triển khai thực hiện Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện “Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020” và các chương trình, đề án có liên quan.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hòa giải, xây dựng và duy trì các mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình. Công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại các trạm y tế xã phường, thị trấn đã giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân được kịp thời. Chỉ đạo cơ sở triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình. Hội Liên hiệp phụ nữ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, CLB “Quyền trẻ em”, CLB “Cha mẹ vì sự phát triển của trẻ thơ”, CLB Gia đình hạnh phúc và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 805 CLB Phòng, chống bạo lực gia đình/CLB Gia đình phát triển bền vững, 1.531 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 319 Nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 471 đường dây nóng.
Công tác phối hợp truyền thông, giáo dục và vận động cộng đồng dân cư tham gia phòng, chống bạo lực gia đình từng bước đi vào chiều sâu thông qua nhiều hoạt động phong phú góp phần giảm số vụ bạo lực gia đình. Theo thống kê tại cơ sở, năm 2019 toàn tỉnh có 53 vụ bạo lực gia đình, trong đó: Về phía người gây bạo lực có 19 người được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; 01 người áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, 09 người áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, 21 người bị xử phạt vi phạm hành chính và 4 người bị xử lý hình sự. Về phía nạn nhân bị bạo lực có 42 người được tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật và 17 người được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực.