Trước khi có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng tồn tại những vấn đề bất BĐG, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cụ thể là tỷ lệ nữ lao động được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ quá chênh lệch so với nam giới; tỷ lệ nữ tham chính còn thấp; nhiều nơi không có lãnh đạo chủ chốt là nữ, định kiến giới trong bố trí, sắp xếp, tuyển dụng người lao động; tư tưởng trọng nam, khinh nữ…
Những vấn đề cần suy ngẫm và đặt ra
Là vấn đề được đặc biệt quan tâm, một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước đặt ra trong thời kỳ đổi mới là cần có các giải pháp đồng bộ, sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐG là hết sức cần thiết.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được do thực hiện các mục tiêu BĐG đem lại, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ, cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa cơ hội để đạt bình đẳng thực chất. Vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới còn tồn tại ở một số nơi, một số lĩnh vực, gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Bất BĐG cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình.
Những năm gần đây, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, như: Tuyên truyền về giới; Luật BĐG; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Bộ luật Lao động; Luật Trẻ em… Chủ động xây dựng nội dung, phương pháp triển khai phù hợp từng đối tượng tuyên truyền nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ về BĐG, tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Sự kiện truyền thông tại cộng đồng; tọa đàm, diễn đàn; tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác BĐG; phòng, chống bạo lực gia đình… Từ đó làm thay đổi những suy nghĩ an phận, tự ti, cam chịu của phụ nữ, chuyển sang suy nghĩ và hành động tích cực tác động đến công tác BĐG.