Để thực hiện tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 và các văn bản quy định về phòng, chống bạo lực học đường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường. Đẩy mạnh truyền thông về các tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành Giáo dục; các tấm gương giáo viên, học sinh đổi mới, sáng tạo và đạt kết quả tốt trong dạy và học.
Xây dựng quy chế phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức như: Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức để bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh.
Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đặc biệt là bồi dưỡng, tập huấn về dạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm; kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực học đường.
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh thân thiện, phòng chống bạo lực học đường: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng quy tắc ứng xử theo quy định Bộ GDĐT; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh (kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng ứng xử…); tổ chức các hoạt động trải nghiệp, hoạt động tập thể cho học sinh.
Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật Trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Giáo dục sửa đổi; ban hành các văn bản hướng dẫn Luật.
Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường vì giáo dục an toàn, phòng, chống bạo lực học đường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.