Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực thi quyền trẻ em là việc làm rất cần thiết. Để đạt được hiệu quả cao, trước hết tại các địa phương cần phải kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cần thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục quyền con người trong cộng đồng nói chung và trong hệ thống các trường học nói riêng. Cần có các hình thức, nội dung giáo dục quyền con người phù hợp với từng đối tượng công dân. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân về trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ quyền trẻ em. Các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, chính quyền cần tiếp cận sâu đối với gia đình để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các bậc cha, mẹ và những người thân của trẻ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với trẻ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, từng nội dung tuyên truyền, phổ biến, gần gũi, sát thực với người dân.
Bên cạnh đó cũng cần phải tăng cường hoạt động giáo dục quyền con người trong trường học. Mặc dù trong chương trình môn học Giáo dục công dân của các cấp học đã có một số nội dung về quyền con người, song các nội dung này còn rất ít và mờ nhạt. Hình thức dạy và học các nội dung này trong các nhà trường chưa mang lại hiệu quả cao. Chúng ta tin tưởng rằng, khi trẻ em có nhận thức đầy đủ về quyền của mình thì chính các em sẽ bảo vệ được bản thân mình, dám đấu tranh chống lại các hành vi xâm hại quyền trẻ em.
Ngày 05 tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu Đề án nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước. Việc xây dựng và thực hiện Đề án là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, Đề án này mới chỉ được thực hiện thí điểm ở một số rất ít các trường học tại một số ít địa phương trong giai đoạn 2017 – 2020. Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân mới tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.