Công tác thống kê, báo cáo việc thực hiện bình đẳng giới (BĐG) nói chung và Chiến lược nói riêng đã từng bước được cải thiện trong giai đoạn vừa qua. Thông tin cơ bản và số liệu tách biệt giới được thu thập và phân tích qua các cuộc điều tra lớn như Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014, Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, hai cuộc Điều tra về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 và 2019 và các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình hàng năm hoặc các cuộc khảo sát về mức sống dân cư hai năm một lần,…Dựa trên kết quả của các cuộc điều tra, khảo sát cấp quốc gia, các số liệu thống kê giới về cơ bản đã được thu thập, phân tích và tập hợp thành hệ thống. Một số tài liệu phản ánh tình hình giới và các số liệu thống kê giới được biên soạn và phát hành như: Sổ tay Thống kê giới năm 2011; Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới 2010-2015; Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới 2016 và năm 2018. Một nguồn thông tin về giới là các báo cáo quốc gia như Báo cáo quốc gia 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về phụ nữ, Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước CEDAW lần thứ 7 và 8; Các báo cáo đánh giá luật, chương trình liên quan đến giới, BĐG.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 14/10/2011 phê duyệt bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia với 105 chỉ tiêu đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thu thập số liệu tách biệt giới trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định, trong số 105 chỉ tiêu, tính đến thời điểm 30/6/2018 chỉ có 64/105 chỉ tiêu đã thu thập đầy đủ; 29/105 chỉ tiêu thu thập chưa đầy đủ (thiếu số liệu một số năm hoặc thiếu một số phân tổ quy định); 12/105 chỉ tiêu chưa được thu thập số liệu. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia và ngày 30/7/2019 đã ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia với 78 chỉ tiêu thuộc 06 nhóm (dân số và nhân khẩu học; lao động, việc làm và tiếp cận với các nguồn lực; lãnh đạo, quản lý; giáo dục và đào tạo; y tế và các dịch vụ liên quan; bạo lực trên cơ sở giới, an toàn xã hội), ban hành kèm nội dung chỉ tiêu (khái niệm, định nghĩa, phương pháp tính và nguồn số liệu). Việc thu thập, báo cáo định kỳ các chỉ tiêu trên đang được các bộ ngành, địa phương và Tổng cục Thống kê tổ chức thực hiện.
Bên cạnh các cuộc điều tra khảo sát tổng hợp ở cấp quốc gia như nêu ở trên, trong giai đoạn 2011 – 2020, một số bộ, ngành, địa phương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia thực hiện nhiều nghiên cứu về giới trong các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam. Điển hình là các nghiên cứu về các chủ đề như: Giới trong nông nghiệp; việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ pháp lý của phụ nữ DTTS; nghiên cứu về BĐG và khả năng tiếp cận công việc tốt, năng suất cao cho phụ nữ và nam giới khu vực nông thôn; lao động giúp việc gia đình; nữ lao động di cư trong nước và quốc tế; lao động nữ trong các khu công nghiệp; BĐG và sức khỏe sinh sản tại các khu tái định cư; các yếu tố xã hội quyết định bất BĐG; quấy rối tình dục tại nơi làm việc; bạo lực đối với phụ nữ, BLGĐ và bạo lực trên cơ sở giới; tình hình mại dâm ở Việt Nam: Nhìn từ góc độ giới về mối quan hệ giữa mại dâm và tính di biến động,… Đây là kênh thông tin quan trọng, cung cấp thông tin, bằng chứng cho quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về BĐG.
Tuy nhiên, công tác thống kê, thông tin báo cáo về BĐG vẫn còn nhiều bất cập và chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý về BĐG ở các cấp, cụ thể là:
Chưa ban hành Khung theo dõi, đánh giá Chiến lược quốc gia về BĐG 2011 – 2020; Một số chỉ tiêu chưa có hướng dẫn cụ thể về khái niệm, phương pháp tính, nguồn số liệu, kỳ số liệu (kỳ theo dõi, đánh giá) và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập số liệu của các chỉ tiêu; chưa ban hành và hướng dẫn cụ thể về biểu mẫu thu thập số liệu của các chỉ tiêu này từ bộ, ngành và UBND các cấp,…
Thiếu số liệu thống kê chuyên sâu được phân tách theo giới, cụ thể là: thiếu dữ liệu phân tách theo giới phục vụ cho việc đánh giá chính xác về tình hình phụ nữ và nam giới; tình trạng phân biệt đối xử; các vụ việc bạo lực được tách biệt theo hình thức bạo lực, giới tính, lứa tuổi, khuyết tật, dân tộc và mối quan hệ giữa nạn nhân và người gây ra bạo lực; số lượng các vụ khiếu nại, khởi tố, kết án và các bản án áp dụng với thủ phạm, cũng như bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân; thiếu số liệu được tách biệt theo giới, tuổi tác, tình trạng khuyết tật, dân tộc, vị trí và tình trạng kinh tế xã hội, và việc sử dụng các chỉ số có thể đo lường để đánh giá xu hướng về khoảng cách giới hướng tới bình đẳng thực chất trên tất cả các lĩnh vực mà Công ước CEDAW quy định. Bên cạnh đó, nhiều chủ đề giới phức tạp, khó đo lường như sử dụng thời gian, bạo lực trên cơ sở giới, khoảng cách tiền lương, việc làm khu vực chính thức, phi chính thức, công việc chăm sóc không được trả công; các vấn đề khác liên quan đến cách tiếp cận quyền con người như lao động di cư hoặc các chỉ tiêu liên quan đến bảo trợ xã hội.
Ngân sách cho thực hiện thu thập, tổng hợp phân tích và công bố số liệu thống kê giới còn hạn hẹp trong bối cảnh nhu cầu số liệu thống kê giới ngày càng tăng; nhiều dữ liệu phải xử lý, tính toán và khai thác từ các nguồn phi truyền thống dữ liệu lớn như: dữ liệu lớn (big data), dữ liệu hành chính, dữ liệu trực tuyến,…