Những năm qua, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã được quan tâm hơn. Đa số học sinh đều có lý tưởng phấn đấu, động cơ học tập nghiêm túc, rõ ràng, tích cực tham gia các hoạt động chung của tập thể. Phần lớn học sinh có đạo đức, lối sống văn hóa, lành mạnh, không sa vào tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực nêu trên, hiện nay một bộ phận không nhỏ học sinh vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, lối sống, gây băn khoăn, lo lắng lớn cho xã hội trong đó những hành vi đáng báo động như lối sống thực dụng, mờ nhạt về lý tưởng, có lối sống buông thả, nói dối cha mẹ, thầy cô, trốn học, đánh nhau, trộm cắp, xin đểu, vô lễ, lười học tập, gian lận thi cử, hành hung thầy cô giáo… Đặc biệt là tình trạng đánh nhau trong học sinh ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều “nữ quái”, “đầu gấu” trong trường học. Hiện tượng học sinh tự quay clip phản cảm rồi tự đăng lên các diễn đàn, các mạng xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng…
Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay còn nhiều bất cập, trước hết là do thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Nhiều bậc phụ huynh vì quá mải mê với việc kiếm tiền nên ít khi hoặc thậm chí không dành thời gian trò chuyện với con, quan tâm, nắm bắt tâm lý, tình cảm, cuộc sống của con. Có gia đình cho rằng chỉ cần quan tâm, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của con bằng việc cho quà, tiền,… còn trong chuyện học tập thì “trăm sự nhờ thầy”. Khi không có cha mẹ “dẫn đường”, hoặc bị bỏ rơi trong chính gia đình mình, con cái dễ rơi vào tình trạng hẫng hụt, nhiều em đã tìm đến bạn bè tụ tập, ăn chơi, hành xử theo bản năng… Bên cạnh đó công tác giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường hiện nay kém hiệu quả. Nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Giáo dục nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, không chú trọng thực hành xã hội. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Trong khi đó môi trường xã hội cùng với những tệ nạn xã hội đang diễn ra tràn lan và ngày càng xâm nhập sâu vào học đường cũng là nguyên nhân gây ra sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Sự bùng nổ của thông tin, điện thoại di động, internet, phim ảnh của các website đen đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của học sinh.
Gia đình là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho học sinh, là trường học đầu tiên, là cái nôi cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Khi còn nhỏ, nhân cách học sinh chưa được thể hiện rõ ràng, nhưng thông qua sự bắt chước hành động của người lớn, mà thường xuyên và gần gũi nhất là bố – mẹ, trẻ bắt đầu thâu nhận tất cả để hình thành nhân cách của mình. Vì vậy việc nuôi dạy con cái ngay từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành là việc rất công phu và khoa học, nó hình thành nên giá trị của mỗi con người. Từ khi mới sinh ra đến tuổi đi học, trẻ em chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Để giáo dục đạo đức cho học sinh, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Trong gia đình cha mẹ phải thật sự mẫu mực, là tấm gương về đạo đức, yêu thương, chăm lo bồi dưỡng con cái. Điều đó đòi hỏi những người làm cha, làm mẹ phải có những thay đổi về suy nghĩ và hành động trong giáo dục con cái. Cha mẹ phải là người mực thước trong việc giáo dục con cái những giá trị đạo đức làm người đầu tiên.
Bên cạnh đó vai trò giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường cũng góp phần quan trọng hình thành nhân cách cho các em. Nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn là nơi dạy người. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo trang trọng ở các nhà trường cần được thực hiện đúng ý nghĩa, phương pháp, mục tiêu. Giáo dục lý tưởng, đạo lý làm người là nội dung giáo dục hàng đầu trong nhà trường hiện nay và phải đặc biệt coi trọng. Cần phải đổi mới cách thức mà lâu nay chúng ta đã dùng để giáo dục đạo đức học sinh. Cần tập trung đi sâu vào mối quan hệ đạo đức giữa con người với con người như quan hệ ông bà – bố mẹ – con cái… Khi được dạy các giá trị tình cảm và các mối quan hệ, học sinh sẽ hiểu được giá trị của cộng đồng mang lại, từ đó các em sẽ có ứng xử phù hợp
Môi trường xã hội lành mạnh sẽ có tác động tốt vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống mỗi học sinh. Học sinh được sống trong một xã hội với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và luôn được củng cố, duy trì và phát triển học sinh mới có được chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt được. Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn cần đảm bảo phương thức “kết hợp gia đình – nhà trường – xã hội”, giúp cho mỗi học sinh có được trình độ nhận thức về các giá trị đạo đức, lối sống để từ đó tự điều chỉnh hành vi phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, lối sống của xã hội, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, phát triển bền vững./.
Nguồn: baonamdinh.com.vn