Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực thực hiện công tác truyền thông về gia đình trong các lĩnh vực quản lý của ngành như: bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác xã hội, trẻ em… Các hình thức tuyên truyền được triển khai khá phong phú, đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng, vùng miền.
Từ năm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về gia đình là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11 hằng năm. Từ năm 2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (Tháng hành động) trên phạm vi toàn quốc. Chủ đề xuyên suốt của Tháng hành động trong các năm là “Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Qua mỗi năm, số lượng các hoạt động được triển khai và số lượng người tham gia ngày càng tăng. Năm 2016 có hơn 800 hoạt động với hơn 200.000 người tham gia. Năm 2017: 14.000 hoạt động với 900.000 người trực tiếp tham gia. Năm 2018: gần 16.000 hoạt động với hơn 1.100.000 lượt người tham dự. Năm 2019 là năm có số lượng hoạt động, số người tham gia tăng hơn nhiều so với năm 2018 và các năm trước đây: tổng cộng gần 32.323 hoạt động hưởng ứng Tháng hành động đã được tổ chức trên toàn quốc (tăng gần gấp đôi so với năm 2018) với hơn 1.576.000 lượt người tham dự (tăng 1,43 lần so với năm 2018). Năm 2020, Bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Các hoạt động truyền thông, hưởng ứng Tháng hành động vẫn đang tiếp tục được triển khai trên toàn quốc… Thông qua các hoạt động của Chiến dịch, các thông điệp, hình ảnh kêu gọi xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai Tháng hành động đã góp phần tạo nên nhiều biến chuyển tích cực trong cộng đồng nhất là huy động sự tham gia của nam giới nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự chia sẻ của họ trong gia đình, qua đó góp phần làm giảm các hành vi bạo lực gia đình.