Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình đã gây ra những tác động, hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Những hành vi bạo lực như việc đánh đập, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em làm tổn thương đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của trẻ.
Những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội. Thậm chí nó còn để lại tác động đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Nhiều trẻ em sau khi trưởng thành cũng ứng xử tương tự đối với người khác. Bởi trẻ học cách đối xử với người xung quanh bằng cách bắt chước hành vi của cha mẹ chúng. Khi thấy cha mẹ cùng với những người khác giải quyết mọi vấn đề một cách ôn hòa thì trẻ sẽ học cách đối phó với người khác một cách tích cực hơn. Ngược lại khi trẻ nhìn thấy cha mẹ giải quyết bằng bạo lực thì chúng cũng sẽ học cách hành động giống như vậy. Khi trẻ em nhìn thấy một hành động bạo lực, hành vi này sẽ ảnh hưởng sâu xa trong tiềm thức của các em. Điều này càng đúng hơn nếu bạo lực liên quan đến một thành viên trong gia đình hay là một người nào đó trong khu phố. Một đứa trẻ bị lạm dụng sẽ sống trong nỗi sợ hãi và đau đớn liên tục. Những vết thương trên thân xác có thể chữa lành nhưng những vết thương tâm hồn sẽ kéo dài suốt cuộc đời của các em.
(Báo cáo số 249/BC-SVHTTDL ngày 26/8/2019 của Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh)