“Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau”.
Khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường đã tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội nói chung và vấn đề gia đình nói riêng. Cơ chế thị trường đã cải biến những quan niệm cũ gắn liền với nền sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc; làm tăng thêm một bước tự ý thức chủ thể của con người, thúc đẩy hình thành cá nhân độc lập, đưa xã hội phát triển lên một trình độ mới, tạo ra cơ sở vật chất bảo đảm cho sự ổn định đời sống gia đình và xã hội; tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình thực hiện tốt hơn những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, hình thành những giá trị đạo đức của gia đình hiện đại trong bối cảnh mới. Thực tế cho thấy, gia đình Việt Nam hiện nay đang tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của gia đình truyền thống cũng như những tư tưởng tiến bộ của nhân loại: sự chung thủy giữa vợ và chồng; lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà; sự tôn kính, biết ơn tổ tiên; sống có nghĩa, có tình với anh em, họ hàng, làng xóm; tôn trọng và thực hiện quyền bình đẳng giới; tôn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân; những tư tưởng tiên tiến về giải phóng phụ nữ, chăm sóc con cái…
Bên cạnh những tác động tích cực thì nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình Việt Nam, nhiều giá trị đạo đức của gia đình truyền thống bị mai một. Sự biến đổi trong quan hệ gia đình và việc thực hiện các chức năng của gia đình đang đặt gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong quan hệ giữa vợ và chồng, khuynh hướng thực dụng, kết hôn vì động cơ tiền tài, địa vị, danh vọng hay tỷ lệ ly hôn, ly thân có chiều hướng gia tăng; hiện tượng “sống thử” xuất hiện và ngày càng lan rộng trong giới trẻ; những chuẩn mực đạo đức như tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận cũng đang bị xáo trộn. Chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ đang phát triển trong quan hệ vợ chồng, dẫn đến sự không ổn định và thiếu bền vững của nhiều cuộc hôn nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý bình thường của trẻ. Bên cạnh đó, việc chăm sóc giáo dục con cái của cha mẹ ở nhiều gia đình bị sao nhãng do công việc bận rộn, thời gian dành cho gia đình ngày càng ít, dẫn đến một bộ phận thanh, thiếu niên lười lao động, ham hưởng thụ, tự tư tự lợi, vị kỷ, thiếu tinh thần trách nhiệm với xã hội, dễ đi vào con đường phạm tội. Năm 2006, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra và kết luận có tới 21,5% các ông bố và 6,8% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con cái. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bạo lực học đường và tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng, trở thành nỗi lo lắng, bức xúc không chỉ của gia đình mà còn là vấn nạn của xã hội. Quan niệm về chữ “hiếu” trong gia đình cũng có những biến đổi sâu sắc. Bên cạnh những tấm gương hiếu thảo, những tấm lòng nhân nghĩa, ân tình với cha mẹ, thì vẫn còn đó nhiều người con đã có thái độ bất nhân, bất nghĩa, thiếu tôn trọng hoặc có hành vi vô đạo đức với cha mẹ. Trước áp lực của kinh tế thị trường, giá trị gia đình ở đây đó đã bị coi nhẹ, đạo đức truyền thống bị lung lay.
Những xu hướng lệch lạc trên cũng đã được Hồ Chí Minh lưu ý từ rất sớm, khi mà chúng ta vừa giành được chính quyền và xây dựng cuộc sống mới. Trong tác phẩm Đời sống mới, Người đã có cái nhìn biện chứng, sâu sắc trong việc xây dựng nếp sống mới, chỉ nên bỏ những cái cũ đã lỗi thời, lạc hậu, còn cái cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Người cho rằng, việc xây dựng đời sống văn hóa mới phải kiên trì vận động quần chúng, phải có người làm gương, gia đình làm gương để mọi người làm theo, phải nghiên cứu thật sâu để thực hiện nếp sống mới có hiệu quả thiết thực để mỗi người là một bông hoa đẹp, mỗi gia đình là một bó hoa tươi thắm, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp.