Bạo lực gia đình đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, có 80,7% phụ nữ cho biết bị tổn thương về thể chất, tâm lý và bạo lực tình dục. Có 75,2% phụ nữ phải chịu đựng tổn thương tinh thần, trong khi con số này là 43,3% đối với chấn thương thể chất. Khoảng 1/3 phụ nữ cần được chăm sóc y tế do bạo lực từ chồng/bạn tình của họ gây ra. Trong đại dịch Covid-19, 51% phụ nữ là người bị bạo lực gia đình từng có ý định tự tử, trong số trong đó 7,2% đã cố gắng tự tử. Đối với trẻ em, bạo lực gia đình có thể để lại những tác động tới sức khỏe tinh thần của trẻ. Khi chứng kiến cảnh này, trẻ thường “khóc”, “cảm thấy sợ” hoặc “cảm thấy sợ hãi”. Trong một số tình huống xấu nhất, bạo lực gia đình gây ra hậu quả nghiêm trọng (chấn thương) trên trẻ em vì đã chứng kiến những sự kiện này .
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 10 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2008. Việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật PCBLGĐ đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện các điều ước quốc tế, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực trái với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xóa bỏ những hủ tục, tư tưởng lạc hậu để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Sau 13 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến rõ nét. Trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi BLGĐ đều bị lên án và xử lý. Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.
Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, song tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Tổng Cục thống kê; Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm.
Từ thực trạng về kết quả thực hiện Luật PCBLGĐ, việc sửa đổi Luật PCBLGĐ (năm 2007) là rất cần thiết để nhằm: thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013; khắc phục những bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và các Điều ước quốc tế về phòng chống bạo lực gia đình mà Việt Nam là thành viên.
Khi nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền con người, vấn đề BLGĐ. Đáng chú ý là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước Nhân quyền. Công ước CEDAW có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 19/3/1982. Ngay sau khi tham gia các cam kết quốc tế liên quan đến BLGĐ, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để nội địa hóa về mặt pháp lý như ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), Luật PCBLGĐ (2007), Luật Hôn nhân và gia đình (2014)…
Ở khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia chủ động đưa ra nhiều sáng kiến và tham gia các tuyên bố chung liên quan đến bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực giới và BLGĐ. Tương tự như nhiều quốc gia khác, Luật PCBLGĐ của Việt Nam dựa trên tiếp cận đa ngành và toàn diện nhằm giải quyết BLGĐ. Tuy nhiên, Luật PCBLGĐ của Việt Nam hiện nay còn một số điểm khác biệt so với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và có thể tham khảo các kinh nghiệm xây dựng luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy cần sửa đổi Luật PCBLGĐ để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa các biện pháp PCBLGĐ trong tình hình mới.