Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình truyền thống đang có những điều chỉnh lớn về cấu trúc, quy mô và mối quan hệ giữa các thế hệ. Việc chuyển từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội hiện đại cùng tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho các hệ giá trị gia đình Việt Nam biển đổi mạnh mẽ với tinh thần tiếp thu các yếu tố, các giá trị mới để làm phong phú cho chính mình. Bên cạnh đó, các hợp phần của hệ giá trị gia đình có mức độ và cường độ biến đổi rất khác nhau, trong khi các giá trị thuộc lĩnh vực kinh tế – vật chất thay đổi nhanh chóng và khá triệt để, thì các giá trị về đạo đức, tâm lý, tình cảm cũng như các giá trị về hôn nhân, gia đình, con cái, quan hệ trong và ngoài gia đình lại chỉ là sự điều chỉnh, chậm và khá thận trọng. Đó là sự vận động đa chiều về giá trị, kể cả giá trị xã hội và giá trị gia đình, do vậy, khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột giữa cái cũ và cái mới. Và vì thế, giáo dục gia đình cũng đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa những giá trị cũ và giá trị mới, bởi vì không phải mọi cái truyền thống đều đáng bị từ bỏ, cũng như không phải mọi cái được coi là hiện đại đều đáng tiếp nhận.
Bên cạnh đó, có sự hẫng hụt về giá trị gia đình, giá trị xã hội khi chuyển từ kinh tế “quan liêu bao cấp” sang kinh tế thị trường, tức là chuyển từ tư duy “cái chung” sang tư duy kết hợp hữu cơ giữa “cái chung” và “cái riêng”, thậm chí có trường hợp, “cái riêng” lấn át “cái chung”. Hệ giá trị gia đình cũ dần bị phá vỡ, trong khi hệ giá trị gia đình mới, có lợi cho sự phát triển lành mạnh của các cá nhân lại đang hình thành một cách khó khăn; và khi quá trình chuyển sang kinh tế thị trường chưa được điều tiết bằng những chuẩn mực đạo lý và luật pháp chặt chẽ (sở hữu chính đáng, thu nhập chính đáng, kinh doanh chính đáng, hành nghề chính đáng…), khó tránh khỏi sự xáo trộn về kỷ cương, đạo lý trong xã hội và gia đình.