Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững được vận hành tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với điểm nhấn là lấy gia đình làm thành viên câu lạc bộ (gồm: ông, bà, cha mẹ, các con). Việc lấy gia đình làm thành viên câu lạc bộ là một trong những sáng kiến của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong xây dựng thiết chế văn hóa tại cộng đồng.
Trẻ em với tư cách là thành viên chính thức của câu lạc bộ, các em tham gia vận hành sinh hoạt nội dung câu lạc bộ. “Câu lạc bộ sinh hoạt theo chủ đề và theo những sự kiện liên quan đến thành viên gia đình. Chúng tôi tổ chức sinh nhật cho các con trong gia đình là thành viên câu lạc bộ. Dịp 1/6 chúng tôi tổ chức sinh hoạt chung cho các con nhằm biểu dương kết quả học tập và mời các con điều hành sinh hoạt câu lạc bộ”, Chủ nhiệm CLB Ruby, Giang Biên, Long Biên, Hà Nội. Nói về cảm xúc của bản thân khi được báo cáo kết quả học tập năm học 2018-2019, Em N.V.T 12 tuổi, thành viên CLB cho biết “Con rất vui được đứng trước các bạn và các bác, các cô, chú được nói về kinh nghiệm học tập để được điểm cao. Con thấy mình như người lớn”. Việc để các con trình bày tại câu lạc bộ tạo cho các con kỹ năng thuyết trình và bản lĩnh thuyết trình trước đám đông. Mặt khác, tạo động lực cho các trẻ em khác phấn đấu để có cơ hội chia sẻ trước các bố, các mẹ như bạn bè cùng câu lạc bộ.
Với các bậc ông bà, cha mẹ, tham gia câu lạc bộ tạo được cộng đồng gắn kết cùng nhau hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ. “Vợ chồng em là công chức nên rất khó để đón con tan học vào lúc 4h15. Từ ngày em tham gia câu lạc bộ, vấn đề này của em đã được giải quyết. Một số ông/bà đã nghỉ hưu là thành viên câu lạc bộ đã đảm nhiệm việc đón các cháu, đưa các cháu về nhà trông giúp bố mẹ các cháu đến hết giờ làm việc”. T.V.M, 35 tuổi, thành viên câu lạc bộ.
“Trước đây, khi thấy con em hàng xóm như nghịch ngượm, trốn học, chơi game, hàng xóm góp ý thì bị chính cha mẹ của các cháu phản ứng, thậm chí họ còn nghĩ mình có các ý nói xấu gia đình họ. Nhưng từ ngày có câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững đến nay, mối quan hệ trong cộng đồng dân cư đã thay đổi rất tích cực. Các gia đình hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ và giáo dục trẻ. Các gia đình tiếp nhận thông tin phản ánh về con em của họ rất tích cực. Vì thế, tình trạng trẻ em bỏ học, đánh nhau, chơi game,… đã hạn chế rất nhiều” Chủ nhiệm CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững.
“Em thấy mô hình câu lạc bộ này rất hay vì có cả các thành viên gia đình tham gia. Trước đây, em tham gia câu lạc bộ của Hội phụ nữ thì chỉ có hội viên nữ, muốn mời các ông chồng tham gia cũng khó. Mặt khác, khi tham gia thì không có người trông con, một số ông chồng còn ghen tuông này kia khi thấy vợ ra khỏi nhà vào buổi tối. Nhưng, câu lạc bộ này có cả nhà nên khi di sinh hoạt em kéo cả nhà đi luôn. Ở đó tạo thành từng nhóm, giao lưu với nhau rất vui. Chúng em thường có những hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhật, ngày cưới. Việc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ vì thế mà các ông chồng cũng nhận thức được trách nhiệm với gia đình, quan tâm làm việc nhà cũng như chăm sóc gia đình, vợ con hơn”. Nữ, thành viên câu lạc bộ Ruby.
“Thời gian qua, vấn đề nạm dụng tình dục trẻ em được báo chí phát hiện và đưa tin, trong đó có những vụ rất đau lòng. Là tòa nhà chung cư, chúng tôi cũng đã tăng cường tuyên truyền cho các bậc cha mẹ nâng cao tinh thần cảnh giác và có những biện pháp cụ thể trong bảo vệ trẻ em. Ví như lắp đặt camera trong thang máy, không cho trẻ em đi một mình”. Thành viên CLB, Ruby.
Tóm lại, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Để trẻ em sống an toàn, lành mạnh không chỉ trong gia đình mà còn trong cộng đồng dân cư thì cần phải có những giải pháp nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc nói riêng là giải pháp hiệu quả đối với công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em nói riêng và các thành viên gia đình nói chung.
Để phát triển và phát huy vai trò của Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững trong bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiến hành đánh giá độc lập Câu lạc bộ, kiện toàn và thống nhất bộ khung cơ bản của Câu lạc bộ. Ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động của Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong đó có Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững.
Tại các địa phương, cần xác định triển khai, vận hành Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình nói chung, Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác chuyên môn của công tác gia đình tại cơ sở. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận hành câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững. Cung cấp tài liệu phục vụ sinh hoạt câu lạc bộ, đặc biệt là tài liệu liên quan đến các kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc,phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em./.