Xu hướng vận động:
Xem xét sự vận động của gia đình trên nền tảng của sự vận động của kinh tế số cùng các phương tiện hiện đại và sự thay đổi của các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng xã hội dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi cho rằng gia đình Việt Nam hiện nay đang vận động theo các xu hướng:
Xu hướng thứ nhất quy mô gia đình thu hẹp và vị thế gia đình trong thượng tầng kiến trúc gia tăng nhưng chịu nhiều sự tác động của các trào lưu văn hóa của các mô hình gia đình các nước phương Tây và Đông Bắc Á. Ngoài ra, gia đình chịu sự chi phối không nhỏ của cách mạng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học; thậm chí tác động mạnh hơn tới các quan điểm, tư tưởng của nhiều thế hệ trong gia đình. Ngược lại, sự thay đổi của các quan niệm này lại tác động trở lại đối với việc tham gia và sử dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật hiện đại trong quan hệ hôn nhân gia đình.
Xu hướng thứ hai là sẽ xuất hiện nhiều loại hình gia đình như kiểu gia đình đơn thân, gia đình kết hôn lần thứ hai, gia đình đồng giới trên nền tảng quan niệm hôn nhân có sự thay đổi.
Trước hai xu hướng cơ bản trên thì một trong những thách thức của gia đình hiện nay là quá trình chủ nghĩa cá nhân hóa trong lối sống độc thân (do ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện sinh và kỹ trị). Điều này tác động lớn tới thế hệ trẻ trong nhận thức về tầm quan trọng và vai trò gia đình đối với xã hội cũng như bào mòn các giá trị gia đình phương Đông, thậm chí trở thành hiện tượng đáng lo ngại của xã hội. Vì vậy, giáo dục gia đình đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh giao thao văn hóa và tác động của xã hội số.
Một số giải pháp:
Cách mạng 4.0, đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin làm biến đổi các chức năng duy trì nòi giống, chức năng giáo dục, nuôi dưỡng và chức năng văn hóa của gia đình. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân làm biến đổi cấu trúc và mô hình gia đình, tác động đến sự thay đổi của các quan hệ trong gia đình và hệ giá trị gia đình, đời sống tâm lý gia đình. Vì vậy, đòi hỏi cần có giải pháp từ nhiều phía:
Từ phía nhà nước trong thời gian tới cần có sự điều chỉnh hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình khi mà nhiều loại hình gia đình mới tự phát xuất hiện. Đặc biệt là nhà nước cần có hệ thống pháp luật điều chỉnh những quan hệ tình yêu, hôn nhân, gia đình theo kiểu ảo, kiểu “số”. Trong đó, nhà nước xác định việc xây dựng các chính sách và hỗ trợ sự phát triển của một nền văn hóa gia đình mới nhưng không phải hiện đại, đòi hỏi gia đình phải đảm bảo những cam kết trách nhiệm xã hội của nó. Do gia đình là một thiết chế xã hội nên nhà nước cần xây dựng các chính sách, pháp luật gia đình và thiết lập, thực hiện các thiết chế luật lệ nó, theo kiểu “luật nhà, lệ nhà”. Đồng thời nhà nước cần xác định tạo thể chế cho gia đình cần đồng bộ với việc thiết lập các thể chế văn hóa, xã hội, việc làm, dân số, giáo dục khác.
Từ phía xã hội: thay đổi nhận thức về gia đình truyền thống nhưng không thể đánh mất các chuẩn mực của gia đình truyền thống. Vì vậy đòi hỏi xã hội chung tay giữ gìn bản sắc gia đình truyền thống. Tuy nhiên do xã hội mở, xã hội số và nền kinh tế mở nên xã hội không thể không tiếp thu mô hình và các chuẩn văn hóa hiện đại. Vì vậy, cần có các tiêu chí cụ thể hơn về mô hình và chuẩn văn hóa của gia đình Việt Nam hiện đại để làm căn cứ cho hôn nhân gia đình hiện nay.
Từ chủ thể hôn nhân gia đình: chủ thể hôn nhân gia đình hiện nay ở nước ta đang có sự thay đổi về lứa tuổi và trình độ học vấn với xu hướng chung là trình độ học vấn cao hơn, độ tuổi cao hơn nhưng cũng chịu sự chi phối của nhiều trào lưu văn hóa mới nên việc chủ thể cần thay đổi nhận thức và được giáo dục thay đổi về nhận thức tri thức về giới tính, luật hôn nhân gia đình, chính sách dân số, việc làm, thu nhập…luôn là vấn đề thời sự. Theo chúng tôi, đặc trưng tâm lý của người Việt vẫn là duy tình, luôn hướng về gia đình nên dễ khơi dậy yếu tố tích cực về tâm lý trong gia đình, tạo thành động lực cho việc xây dựng gia đình mới. Mặt khác, ngoài việc quan tâm đến các chủ thể đang ở độ tuổi kết hôn thì việc mở rộng đối tượng quan tâm đến vấn đề gia đình trong thời gian tới đó là phụ nữ quá tuổi kết hôn, những người đã ly hôn và giới tính thứ ba.