Thứ nhất, về giá trị kinh tế của gia đình
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giá trị kinh tế gia đình vẫn phát huy tác dụng và đóng vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng, phát triển gia đình. Gia đình vẫn là đơn vị kinh tế, vẫn là chủ thể kinh doanh cũng như chủ thể tiêu dùng….
Chẳng hạn, về phương diện xã hội, các quan hệ xã hội có liên quan tới quyền lực gia đình cũng đã bắt đầu thay đổi. Kinh doanh, hợp tác theo các quan hệ huyết tộc không còn chiếm ưu thế như giai đoạn nước ta mới bước vào nền kinh tế thị trường. Về mặt kinh tế cũng tương tự, kinh doanh, hợp tác làm kinh tế không chỉ thu hẹp trong phạm vi huyết tộc, họ hàng…mà còn mở rộng ra ngoài xã hội, thậm chí là mở rộng các quan hệ kinh tế xuyên quốc gia, quốc tế.
Thứ hai, về giá trị tâm lý, tình cảm của gia đình
Một trong những chức năng quan trọng của gia đình là thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý cho các thành viên, gia đình vẫn là nơi, là tổ ấm cần thiết cho mỗi thành viên chia sẻ buồn vui trong công việc, trong cuộc sống với nhau sau mỗi ngày làm việc, học tập căng thẳng, mệt mỏi, giúp cho các cá nhân cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và yên tâm học tập, lao động, cống hiến và sáng tạo.
Khoa học công nghệ hiện đại, mạng xã hội phổ biến đã giúp cho các thành viên trong gia đình chia sẻ thông tin với nhau thuận tiện hơn cho dù xa nhau về khoảng cách địa lí. Chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể nói chuyện, tâm sự và chia sẻ vui buồn với người thân ở rất xa, điều này giúp cho các thành viên trong gia đình giải toả phần nào đời sống tâm lý, tình cảm với gia đình mình kịp thời.
Thứ ba, về giá trị đạo đức, giáo dục của gia đình
Hơn nữa, dù trong điều kiện nào, có thể nói rằng gia đình vẫn là chiếc nôi đầu tiên để rèn luyện nhân cách cho con người cả tài lẫn đức. Gia đình là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi thông tin rất phong phú, đa dạng và phức tạp cần phải tiếp nhận chọn lọc thì gia đình càng đóng vai trò quan trong trong việc giáo dục con người hiểu biết và giữ gìn các nét đẹp truyền thống và tiếp thu giá trị tiên tiến của nhân loại, góp phần lưu giữ và phát huy thuần phong mỹ tục của dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Gia đình vẫn là môi trường giáo dục bền vững ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, vẫn là nơi giáo dục những tri thức, kỹ năng, cách ứng xử và là nơi cho mỗi người ngay từ thuở ấu thơ. Trong xã hội hiện đại, khi ông bà, cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống, hiểu biết hơn về xã hội, về tâm lý tình cảm, có nhiều tri thức mới về nuôi dạy con cái thì đây là lợi thế cho giá trị giáo dục, giá trị đạo đức của gia đình được củng cố và phát huy.
Thứ tư, về giá trị mối quan hệ các thành viên trong gia đình
Hơn nữa, đời sống vật chất được nâng cao, cùng với nó là sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã làm cho đời sống tinh thần được thỏa mãn nhiều hơn đối với các gia đình. Thêm nữa, những tư tưởng về gia đình, lối sống của gia đình phương Tây cũng có những ảnh hưởng tích cực tới giá trị gia đình Việt. Trước đây, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chủ yếu là quan hệ một chiều, nghĩa là con cái phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ, chịu sự sắp đặt của cha mẹ ở nhiều lình vực, vợ phải phục tùng mệnh lệnh của chồng thì ngày nay, hầu hết trong các gia đình ở nước ta, quan hệ giữa các thành viên đã bình đẳng hơn giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, anh chị em…., các thành viên trong gia đình đã được dân chủ hơn trong việc thể hiện quan điểm của mình và đóng góp ý kiến với các thành viên khác…
Thứ năm, về giá trị chăm sóc sức khoẻ, duy trì nòi giống của gia đình
Không thể phủ nhận với ưu thế của nền kinh tế thị trường, với thành tựu của khoa học kỹ thuật, y học thì mỗi gia đình có điều kiện kinh tế hơn, có hiểu biết hơn về việc chăm lo, cải thiện sức khoẻ trong đó việc chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em, cải thiện chất lượng sinh sản. Điều này cho thấy trong bối cảnh mới chức năng sinh sản duy trì nòi giống của gia đình vẫn là giá trị đặc biệt quan trọng và nó càng được hoàn thiện tốt hơn.
Như vậy, trong bối cảnh nào thì gia đình vẫn là giá trị vô cùng quý báu của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống gia đình người Việt không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phân biệt những truyền thống gia đình đã không còn phù hợp với thời đại; những truyền thống chuyển biến theo hướng tích cực, phù hợp với bối cảnh lịch sử hiện tại thì chúng ta cần duy trì, bảo tồn và phát triển nhằm tạo nên các giá trị truyền thống dân tộc có bản sắc riêng vì “đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì ta phải làm”.
Những nội dung của giá trị gia đình hiện nay cần phải kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp như kính trên nhường dưới, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, đề cao việc tu dưỡng bản thân, sống tình nghĩa, xây dựng gia đình hạnh phúc đồng thời cũng phải kế thừa, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ như bình đẳng, công bằng, tự do kết hôn, hôn nhân một vợ một chồng…Ngược lại, cần phải loại bỏ những hủ tục, quan niệm lạc hậu như trọng nam khinh nữ, gả bán trong hôn nhân, đa thê đa thiếp, đồng thời cũng không chấp nhận lối sống buông thả, nam nữ chung sống không kết hôn, ly hôn không chính đáng, cần chống lại sự xâm nhập của đồng tiền vào các mối quan hệ tình nghĩa gia đình, phản đối tự do tình dục, không chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, người già, ốm đau trong gia đình…. Có như vậy chúng ta mới phát huy, xây dựng giá trị truyền thống gia đình Việt, từ đó góp phần phát triển xã hội.