Ngày 29 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã xây dựng Báo cáo số 579/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Bộ máy làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở được thành lập. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp được đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ về công tác gia đình từng bước được nâng lên. 100% xã, phường, thị trấn đều có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Phát huy được tính chủ động sáng tạo của ngành chức năng, tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh phối hợp tốt các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến lĩnh vực gia đình.
Tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong các gia đình về vai trò trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, việc nuôi dạy con cháu được nhiều gia đình quan tâm hơn, biết giữ gìn nề nếp gia phong, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa dần phong tục tập quán lạc hậu cản trở sự phát triển của gia đình trong tình hình mới.
Tình trạng bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt, ý thức của quần chúng nhân dân đối với việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và đạo đức lối sống trong gia đình chuyển biến tích cực. Số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Thành viên BCĐ công tác gia đình các cấp, công chức làm công tác gia đình ở cấp xã thường xuyên thay đổi, không có mạng lưới cộng tác viên ở cở sở. Đội ngũ làm công tác gia đình chưa chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, còn trông chờ vào chỉ đạo hoặc tổ chức hoạt động của tỉnh.
Kinh phí triển khai thực hiện công tác gia đình cấp huyện còn hạn chế, nên các hoạt động thường tổ chức ở tỉnh hoặc ở cơ sở. Một số hoạt động bị hạn chế do không có trong hạn mức chi, hoặc không được chi như các khoản chi hỗ trợ cho người dân trong các buổi tọa đàm, các buổi tuyên truyền tập trung, chi giải thưởng cho các hoạt động hội thi, hôi diễn của các gia đình.
Xây dựng gia đình hạnh phúc cần phải có sự hợp tác của các ngành, đoàn thể, của từng cá nhân, hộ gia đình vì đây thuộc lĩnh vực đạo đức, nếp sống, ý thức, quan niệm…; mà nội dung công tác gia đình hiện nay chỉ tập trung vào hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; chưa có chế tài nhiều hoặc có nhưng các địa phương chưa mạnh dạn xử lý, xử lý chưa nghiêm nên vẫn còn tình trạng đạo đức xuống cấp, sống thực dụng, tệ nạn xã hội, ly hôn …